Lận đận thương hiệu gạo Việt
Cần nhân rộng giống tốt, thương mại hóa với số lượng lớn và bảo đảm độ thuần chủng để xây dựng giá trị gạo xuất khẩu
Tại một hội thảo về nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp (DN) Việt mới đây, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), nhận định một trong những nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp so với các nước là bởi lòng tin của người tiêu dùng thế giới về chất lượng gạo của Việt Nam chưa cao.
Thiếu lòng tin lẫn bệ đỡ
Nguyên nhân sâu xa hơn là Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho từng DN dưới bệ đỡ là thương hiệu quốc gia. "Mặt khác, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới được đánh giá ở mức trung bình do chưa đủ năng lực cung cấp rộng rãi cho các thị trường cao cấp. Chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao một cách mạnh mẽ trên thương trường quốc tế dù sản xuất lúa gạo đứng đầu thế giới. Tới các nước, chúng ta thấy hàng loạt thương hiệu của DN được xây dựng trên nền tảng thương hiệu quốc gia, chúng ta thì chưa có. Đó là thiệt thòi và cần hành động ngay để khắc phục" - ông Hòa nói.
TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nêu thực trạng Việt Nam có rất nhiều loại gạo ngon, thậm chí hơn hẳn gạo ngon của các nước đang cạnh tranh nhưng mãi chạy theo số lượng 3-4 vụ/năm nên chất lượng không cao. Trong khi đó, Thái Lan chỉ sản xuất 1-2 vụ/năm nên chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, Thái Lan đã có thị trường lâu đời, được khách hàng tin cậy về chất lượng nên xuất khẩu được giá hơn nhiều so với Việt Nam. "Cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu DN. Khi có thương hiệu thì phải biết giữ gìn nó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng" - ông Bảnh góp ý.
Cũng nhìn nhận thương hiệu chỉ là một khía cạnh để khẳng định giá trị hạt gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng không phải có thương hiệu là thành công mà phải làm sao cho thương hiệu đó đi vào lòng người. "Cần một quá trình phấn đấu mới tạo dựng được thương hiệu lớn nhưng có thương hiệu mà người ta không biết sản phẩm của mình như thế nào thì cũng chưa thành công. Chúng ta đưa ra rất nhiều giải pháp, mô hình để có được gạo chất lượng cao với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu khách hàng nhưng không ai làm hoặc làm không đến nơi đến chốn" - ông Bình thất vọng.
Khó thương mại hóa giống lúa tốt
TS Lê Văn Bảnh nhận xét việc thương mại hóa giống lúa tốt để xây dựng thương hiệu là không dễ dàng bởi một DN chỉ sản xuất được một sản lượng nhất định, nếu nhân rộng thì có nguy cơ giống bị giảm độ thuần. "Đơn cử như giống lúa chất lượng cao ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua, muốn thương mại hóa cao cũng khó vì một mình DN này chỉ sản xuất được khoảng 1.000 tấn/vụ. Nếu bán giống tràn lan để gieo trồng không kiểm soát thì độ thuần sẽ giảm đáng kể, tức chất lượng hạt gạo giảm, đồng nghĩa với không có thương hiệu tốt. Vì vậy, cần tổ chức lại khâu sản xuất để nhân rộng giống lúa tốt, thương mại hóa nó với số lượng lớn và bảo đảm độ thuần chủng. Tùy theo từng thị trường xuất khẩu phải tạo ra giống lúa thích hợp để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng. Chẳng hạn, người dân Đông Bắc Á chuộng gạo hạt dài và dẻo; người dân Trung Đông thích gạo khô; người Tây Âu và Bắc Mỹ thích gạo thơm" - TS Lê Văn Bảnh gợi ý.
Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 24-11, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ thương hiệu DN của ông hiện dừng lại ở giữ chữ tín, sử dụng giống đạt chuẩn, sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp không trục lợi. Tức DN tập trung phát triển thương hiệu nội tại của bản thân là chính, còn yêu cầu nhân giống để thương mại hóa sản phẩm là rất khó. "DN cố gắng tạo ra số lượng giống lúa lớn để cung cấp cho thị trường nhưng càng làm nhiều càng lỗ lớn. Chẳng hạn, năm nay DN sản xuất 2.000 tấn lúa giống nhưng phải đổ bỏ 1.200 tấn vì không có người mua. Có giống chất lượng rất tốt nhưng chỉ sau một thời gian gieo trồng bị nhiễm sâu bệnh nên cho năng suất thấp và buộc phải loại bỏ" - ông Cua bày tỏ. "Ông chủ" giống gạo ngon nhất thế giới ST25 còn chia sẻ thêm câu chuyện gạo ST24 đoạt vị trí tốp 3 thế giới từ năm 2017 nhưng ở trong nước, mãi đến tháng 3-2019, giống lúa ST24 mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống lúa chính thức, cho thấy việc đăng ký giống mất rất nhiều thời gian và thủ tục nhiêu khê.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group - phân tích để có thương hiệu, việc xây dựng rồi quảng bá, xúc tiến là rất quan trọng, nhất là quảng cáo thường xuyên để người tiêu dùng dễ nhận diện. "Thực tế, các DN sản xuất, xuất khẩu gạo lợi nhuận không nhiều nên không đủ chi phí làm việc này thường xuyên. Nhà nước, DN và hiệp hội phải cùng tham gia, đồng thời cũng cần các nhà khoa học xác định để trên cơ sở đó nhà nước công nhận về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy chuẩn... loại gạo nào là tốt nhất, ngon nhất của Việt Nam" - ông Nam nói.
Cần quản lý chặt chẽ
Quản lý lỏng lẻo, thiếu chế tài xử lý với các trường hợp làm giả cũng là một trong những lý do khiến khó xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Gạo ST25 thắng giải gạo ngon nhất thế giới chưa lâu thì trong nước, ăn theo cơn sốt này, gạo ST25 giả đã tràn lan. Ông Hồ Quang Cua kể năm 2017-2018, DN sản xuất được 400 tấn lúa giống ST24 nhưng bị làm giả nhiều đến mức có tới 50.000 ha được "nổ" là gieo trồng từ giống lúa này. "Chỉ một thời gian ngắn, tại Cần Thơ đã phát hiện 1.000 tấn lúa giống giả. Nông dân khó tiếp cận được giống lúa thật vì họ mua vật tư nông nghiệp, lúa giống tại các cửa hàng theo hình thức mua trước trả tiền sau. Phần lớn DN nhỏ với quy mô vài chục ngàn hecta không sử dụng lúa giống mà sử dụng lúa lương thực (lúa thương phẩm) nên chất lượng không bảo đảm, giá trị giảm mạnh" - ông Cua phản ánh.
Ngoài nạn gạo giả hiệu, uy tín ngành gạo Việt còn bị ảnh hưởng bởi kiểu làm ăn chụp giật, cạnh tranh không lành mạnh, chào giá thấp để có được hợp đồng... mặc dù Hiệp hội Lương thực Việt Nam cảnh báo thường xuyên nhưng vẫn diễn ra. "Trước đây, chúng tôi xuất khẩu gạo ST20 từ giống lúa của kỹ sư Hồ Quang Cua trong nhiều năm với giá khá cao, hơn 900 USD/tấn. Tuy nhiên, sau đó có DN chào giá chưa tới 600 USD/tấn, buộc chúng tôi phải giảm giá theo. Từ đó, giá thu mua lúa trong dân giảm mạnh và diện tích gieo trồng loại lúa này thu hẹp dần vì giá bán không cao hơn loại lúa thường bao nhiêu" - giám đốc một DN xuất khẩu gạo kể.
Theo các DN, cần có sự tính toán và quy định đồng bộ từ khâu sản xuất lúa gạo chất lượng với quy mô đủ lớn cho thị trường đến làm thương hiệu rồi quảng bá, xúc tiến được sản phẩm bán ở trong nước hay nước ngoài. Cần thiết bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng làm giả, gian lận thương mại trong ngành lúa gạo.
Nông dân loay hoay
Ông Lê Văn Lam (ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết năm 2018, ông trồng hơn 6 ha lúa sạch cung cấp cho thị trường với hy vọng được giá cao, qua đó từng bước xây dựng thương hiệu gạo vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, vụ đầu tiên ông lỗ nặng do không được hỗ trợ kỹ thuật, sâu bệnh tấn công làm năng suất thấp, giá lúa bán ra không được như mong muốn. Thấy không ổn, từ đầu năm đến nay, ông quay lại sản xuất lúa kiểu cũ.
"Vụ lúa vừa rồi có giá thấp nhất trong vài năm trở lại đây, lúa thơm chất lượng cao (Nàng Hoa 9) chỉ 4.800 đồng/kg trong khi lúa thường giống IR50404 đã 4.000 đồng/kg. Bà con nông dân đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trong khâu chọn lúa giống, nhưng tất cả đều loay hoay vì phụ thuộc thị trường xuất khẩu. Nhiều hộ muốn tham gia liên kết với các DN như mô hình Cánh đồng mẫu lớn nhưng trong hợp đồng chỉ ghi chung chung là mua theo giá thị trường nên nông dân không được lợi" - ông Lam kể.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/lan-dan-thuong-hieu-gao-viet-20191124222309222.htm