Lần đầu điều trị vô sinh bằng nong vòi tử cung bị tắc qua nội soi
Bệnh nhân vô sinh thứ phát do cả hai vòi tử cung bị tắc. Các bác sĩ đã thực hiện phương pháp nong hai vòi bị tắc, sau mấy tháng bệnh nhân đã có thai tự nhiên.
Sáng ngày 14/10, BV Phụ sản TƯ đã mổ thành công cho sản phụ Nguyễn Thị N. (SN 1985, tại Bắc Giang). Sản phụ N. là người được thực hiện phương pháp nong vòi tử cung qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng trên bệnh nhân vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung.
Chị N. kết hôn đã lâu và có một con. Khoảng 5 năm trước, chị N. muốn có con tiếp nhưng càng mong càng vô vọng, dù vợ chồng đã tìm mọi cách. Vì vậy, chị đã đến BV Phụ sản TƯ thăm khám. Tại đây, chị được chụp tử cung phát hiện cả hai vòi tử cung tắc.
Tháng 10/2018, GS. TS Nguyễn Viết Tiến (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế), đã trực tiếp phẫu thuật, nong tắc đoạn gần vòi tử cung cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được tiến hành thành công khi cả hai bên vòi tử cung đã được “thông”.
Bệnh nhân bắt đầu có thai tự nhiên từ tháng 2 năm 2019 sau 4 tháng nong vòi tử cung. Đến sáng ngày 14/10, sản phụ được mổ lấy thai chủ động. Sau mổ, sức khỏe của chị N. ổn định, bé trai chào đời với cân nặng 3.700 gram trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình.
“Ở trường hợp này, trước đây chắc chắn sẽ phải thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên tại BV Phụ sản TƯ, sản phụ được thực hiện phương pháp nong hai vòi tắc đoạn kẽ, sau mấy tháng bệnh nhân đã có thai tự nhiên. Khi nhận được thông tin này từ phía bệnh nhân, chúng tôi đã rất vui. Đây là một niềm vui không chỉ đối với gia đình mà cả với đội ngũ y, bác sĩ”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.
Theo GS Nguyễn Viết Tiến, tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh do vòi tử cung từ 43-59%. Trong đó, vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung (đoạn kẽ, đoạn eo) chiếm khoảng 15-25%. Nguyên nhân gây tắc vòi tử cung do viêm nhiễm, từng nạo phá thai, hay mổ lấy thai.
Hiện nay trên thế giới đang có 3 phương pháp áp dụng để điều trị vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung, gồm phương pháp vi phẫu tái tạo lại đoạn gần vòi tử cung; phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; phương pháp nong tắc đoạn gần vòi tử cung qua nội soi.
"Hiện nay với sự phát triển của kỹ thuật nội soi, nong vòi tử cung qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng là phương pháp hiệu quả, an toàn và có thể áp dụng rộng rãi. Chi phí nong vòi tử cung khoảng 20 triệu đồng, trong khi thu tinh trong ống nghiệm tốn kém hơn rất nhiều. Bệnh nhân sau nong vòi tử cung sẽ được theo dõi có thai trong vòng 1 năm. Tại BV Phụ sản TƯ, đến thời điểm hiện tại đã phẫu thuật nong tắc đoạn gần cho 76 bệnh nhân vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung. Tỷ lệ nong đoạn gần vòi tử cung thành công 68%, tỷ lệ có thai sau nong vòi tử cung 35%”, GS Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Ngoài ra, với những ca có thai sau nong vòi, không có ca nào chửa ngoài dạ con. Hiện tại ở Việt Nam chỉ mới có BV Phụ sản TƯ tiến hành kỹ thuật trên, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí mang lại hiệu quả cao.