Lần đầu tiên bệnh nhân nhẹ cân nhất được chạy ECMO đã thoát chết trong gang tấc
Một bé gái mới 3 tuổi, cân nặng 11kg đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chạy ECMO cứu sống trong gang tấc. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi và nhẹ cân nhất được bệnh viện này chạy ECMO.
Bệnh nhi sẽ tử vong nếu đến chậm 5 phút
Ngày 17.8, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây vừa kịp thời chạy ECMO (máy tim phổi nhân tạo) cho một bệnh nhi nhẹ cân, nhỏ tuổi nhất dùng biện pháp này, bị viêm cơ tim tối cấp, thoát chết trong gang tấc.
Bệnh nhi là bé L.T.K.N (3 tuổi, ngụ TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), cân nặng 11kg khi chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hôn mê, môi tím, trụy tim mạch nặng, tim rời rạc. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim.
Theo người nhà của bé, trước nhập viện 2 ngày, bé sốt nhẹ, không ho, không sổ mũi, không tiêu lỏng, gia đình tự mua thuốc cho uống. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau bé lừ đừ, nôn ói 10 lần, mệt nên gia đình chuyển đến Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang trong tình trạng li bì, trụy tim mạch, tim đập chậm 54 lần/phút, không đều. Bé được thở oxy, truyền thuốc vận mạch và chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Với trẻ em trong độ tuổi này nhịp tim đập bình thường là 100 lần/phút, nhưng tim của bệnh nhi chỉ đập có 50 lần/phút là gần như ngưng đập. Nếu chỉ cần chậm khoảng 5 phút nữa, bệnh nhi có thể tử vong”.
Bác sĩ Quang cho biết, lúc ấy mọi thủ tục hành chính đều được cho qua, bệnh nhi lập tức được đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc vận mạch duy trì chức năng co bóp cơ tim. Cùng lúc, các bác sĩ Khoa Tim mạch tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời duy trì nhịp tim cho bệnh nhi.
Sau khi bé được điều trị cấp cứu, tình trạng huyết động học có cải thiện tạm thời, nhưng sau đó chức năng co bóp cơ tim giảm nặng, do viêm cơ tim tối cấp kèm loạn nhịp thất liên tục không đáp ứng với thuốc chống loạn nhịp, gây trụy tim mạch nặng, giảm tưới máu mô gây tổn thương các cơ quan, đe dọa tính mạng của bệnh nhi.
Trước tình trạng nguy kịch trên, một cuộc hội chẩn toàn viện đã được tổ chức khẩn cấp, các bác sĩ quyết định tiến hành kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO) để cứu bệnh nhân.
Lập phòng mổ dã chiến để đặt máy chạy ECMO
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, việc đặt ECMO cho một bệnh nhi rất nhỏ tuổi, chỉ cân nặng 11kg sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận mạch máu. “Với một bé nhỏ tuổi và nhẹ cân như thế, việc tiếp cận mạch máu rất khó, không thể dùng tiêm chích mà buộc phải phẫu thuật mạch máu ở cổ (nơi có rất nhiều mạch máu nên tiềm ẩn nguy cơ) mới có thể luồn catheter để chạy máy ECMO”, bác sĩ Cam chia sẻ.
Tuy nhiên, do bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp có thể tử vong khi di chuyển, nên không thể chuyển đến phòng mổ. Bác sĩ Quang cho biết các bác sĩ buộc phải thiết lập một phòng mổ dã chiến với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để tiến hành phẫu thuật mạch máu ở cổ nhằm luồn catheter chạy máy ECMO.
Sau 30 phút thực hiện, bệnh nhi đã được hỗ trợ tim phổi nhân tạo với hệ thống ECMO. Ngay lập tức tình trạng huyết động học của bệnh nhi được phục hồi, đảm bảo sự sống cho các cơ quan. Lúc này, các bác sĩ phải liên tục theo dõi và xử trí các biến chứng xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhi.
Sau 6 ngày chạy ECMO, chức năng tim và các cơ quan gan, thận, não phục hồi tốt, bệnh nhi được cai ECMO vào ngày 12.8. Sau đó bé được cai máy thở, máy tạo nhịp vào ngày 14.8.2020.
“Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, tình trạng huyết động học ổn định, chức năng tim phục hồi tốt. Bệnh nhi vẫn được theo dõi sát tình trạng tim mạch và đông máu. Ngày 19.8 tới, chúng tôi tiến hành họp đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhi để xem xét việc xuất viện. Đây là lần đầu tiên, các bác sĩ bệnh viện tự mình thực hiện kỹ thuật ECMO và cũng là bệnh nhi nhỏ tuổi, nhẹ cân nhất mà bệnh viện thực hiện kỹ thuật này”, bác sĩ Quang cho biết.
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam, đối với bệnh viêm cơ tim, rất khó chẩn đoán. Những triệu chứng của viêm cơ tim như sốt, nôn ói, sốc, khó thở… trùng với nhiều bệnh khác như viêm phổi, sốt xuất huyết… Nếu không chẩn đoán bệnh viêm cơ tim tối cấp mà điều trị theo triệu chứng sẽ rất nguy hiểm. “Trong trường hợp sốc do sốt xuất huyết thì bác sĩ truyền dịch để xử lý tình trạng trên, còn sốc do viêm cơ tim mà truyền dịch sẽ gây phù phổi ngay”, bác sĩ Cam nói.
Bác sĩ Cam cũng lưu ý các phụ huynh về một số triệu chứng để có thể nghĩ đến trẻ mắc viêm cơ tim như: thở nhanh, mạch nhanh, đặc biệt môi tím tái. Bệnh nhân mắc viêm cơ tim diễn biến sốc và suy hô hấp rất nhanh, chỉ từ 1 đến 3 ngày.