Lần đầu tiên cảnh báo rủi ro thiên tai lên đến cấp 4 cho Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông báo khẩn cấp nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai lên đến cấp 4 đối với Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đây là lần đầu tiên cảnh báo rủi ro thiên tai được nâng đến cấp 4 cho khu vực Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Trong 24h qua khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có mưa rất lớn, có nơi trên 400mm. Dự báo trong 48 giờ tới có mưa 300-500mm, cục bộ có nơi trên 800. Cơ quan khí tượng đã phát tin mưa lớn và cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai lên mức cấp 4 đối với Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Căn cứ để phát thông báo cảnh báo rủi ro cấp 4 dựa vào Điều 44, Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 18) Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai quy định rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau: Dự báo lượng mưa từ trên 200 mm đến 400 mm trong 24 giờ kéo dài trên 4 ngày ở khu vực trung du, vùng núi trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau; Dự báo lượng mưa trên 400 mm trong 24 giờ kéo dài từ trên 2 ngày ở khu vực trung du, vùng núi hoặc kéo dài trên 4 ngày ở khu vực đồng bằng, ven biển trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau.
Đêm qua và sáng nay (14/10), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to; lượng mưa tính từ 19h ngày 13/10 đến 08h ngày 14/10 có nơi trên 250mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 253.2mm, Hòa Phú (Đà Nẵng) 339.4mm, Hòa Phong (Đà Nẵng) 298.2mm, Núi Thành (Quảng Nam) 257.8mm, …
Từ ngày 14/10 đến sáng 16/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 800mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 150mm.
Ngoài ra, ở khu vực phía Nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm; khu vực Nam Trung Bộ, các nơi khác ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Giai đoạn từ ngày 16-17/10 khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Tin cảnh báo lũ trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Hiện nay, mực nước trên sông Gianh (Quảng Bình), các sông ở Thừa Thiên Huế đang dao động ở trên mức báo động (BĐ)1, các sông khác từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có dao động và còn dưới mức báo động (BĐ)1.
Mực nước lúc 07h/14/10 trên các sông như sau: Trên sông Gianh tại Đồng Tâm: 7,84m, trên BĐ1 0,84m. Trên sông Bồ tại Phú Ốc 2,42m, dưới BĐ2 0,58m. Trên sông Hương tại Kim Long 1,13m, trên BĐ1 0,13m.
Từ hôm nay (14/10) đến ngày 17/10, trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-8m, hạ lưu từ 1-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; trên các sông nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông La dao động ở mức BĐ1. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Lũ trên các sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.