Lần đầu tiên có chương trình riêng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết, trong đó lần đầu tiên xây dựng riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn ở Quốc hội ngày 12/11. Ảnh Như Ý

Ngày 12/11, báo cáo Quốc hội liên quan đến vấn đề phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính sách dân tộc có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, là một yếu tố mang tính quyết định góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời gian qua, hệ thống các chính sách dân tộc đã hình thành tương đối toàn diện để hỗ trợ thúc đẩy phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống của đồng bào và cải thiện tình hình KTXH trên địa bàn. Báo cáo dẫn chứng, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng khoảng 1,5 lần trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được tập trung khắc phục; thực trạng điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước, như một số vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Báo cáo cho thấy, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ khoảng 14,7% dân số, nhưng chiếm trên 55% số hộ nghèo cả nước. Chỉ có khoảng trên 10% người lao động đồng bào dân tộc thiểu số được qua đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên, bằng 1/3 tỷ lệ bình quân của cả nước.

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó lần đầu tiên xây dựng riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021 -2025. Tuy nhiên, như một số vị đại biểu Quốc hội đã đánh giá, việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội và phê duyệt Chương trình này còn chậm. Vấn đề này có nguyên nhân do phạm vi rộng, tính chất đặc thù phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cơ quan, địa phương... trong khi đó quá trình chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, chưa thực sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, đồng thời cho biết, Chính phủ đã yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm; khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, đưa các cơ chế, chính sách của Chương trình vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ thông tin, từ nay đến cuối năm 2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình; xác định phương án và thực hiện phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2021, năm 2022.

Ngay trong năm 2021, ban hành đủ các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện, chính sách tín dụng ưu đãi và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước để làm cơ sở thực hiện Chương trình. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan trên các lĩnh vực, bảo đảm sự tích hợp, thống nhất với các nội dung của Chương trình.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lan-dau-tien-co-chuong-trinh-rieng-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post1392598.tpo