Nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Gần đây, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tập huấn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại 23 xã đặc biệt khó khăn. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc cho cán bộ cơ sở, người có uy tín và đại diện người đồng bào các DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Người dân xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân chủ động đối thoại, tìm hiểu về các chương trình, chính sách dân tộc đang được triển khai. Ảnh: NGÔ XUÂN

Người dân xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân chủ động đối thoại, tìm hiểu về các chương trình, chính sách dân tộc đang được triển khai. Ảnh: NGÔ XUÂN

B sung k năng cho cán b cơ s

Theo Ban Dân tộc tỉnh, hoạt động tập huấn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại 23 xã đặc biệt khó khăn của 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân nhận được sự quan tâm của cán bộ cơ sở các địa phương đang được thụ hưởng các chương trình, chính sách dân tộc nói chung, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719).

Ông Mang Dơn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 5, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân cho biết: Chương trình 1719 hỗ trợ người đồng bào DTTS một cách toàn diện. Khi chương trình được triển khai về thôn, thời gian đầu chúng tôi khá lúng túng. Tuy nhiên, sau nhiều lần được trang bị kỹ năng, hướng dẫn quy trình thực hiện cụ thể cho từng dự án thì công việc đã thuận lợi và trôi chảy hơn rất nhiều.

Tương tự, sau nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn thực hiện Chương trình 1719, cán bộ xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa cũng đã nắm bắt được các quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án liên quan. Ông Y Hôn, Chủ tịch UBND xã Suối Trai cho biết: Suối Trai là xã đặc biệt khó khăn, các điều kiện về phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế so với địa phương khác.

Do vậy, khi Chương trình 1719 được triển khai, xã đã chủ động nghiên cứu các dự án, tiểu dự án để có thể khai thác tối đa chương trình này hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi phân bổ từng dự án, tiểu dự án thành phần cho các cán bộ phụ trách của xã, thôn; đồng thời phân công lãnh đạo xã thường xuyên theo dõi, đôn đốc. Các cán bộ thôn, buôn cũng liên tục được cập nhật văn bản mới để phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, thông qua các buổi tuyên truyền, cán bộ cơ sở vừa cập nhật chủ trương, chính sách mới vừa kịp thời kiến nghị, đề xuất giải quyết khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.

Nâng cao tinh thn cnh giác

Cùng tham gia tổ tuyên truyền, thượng tá Nguyễn Thị Ánh Hoa, Trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh đã có những chia sẻ về tình hình ANTT trên địa bàn các huyện miền núi; đồng thời cảnh báo về những nguy cơ, thủ đoạn kích động, lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng xấu đang tập trung vào bà con vùng đồng bào DTTS trong thời gian qua.

Theo thượng tá Ánh Hoa, các huyện miền núi của Phú Yên là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá, dụ dỗ, lôi kéo người dân khiếu kiện đông người và tham gia vào các tổ chức phản động.

Tiêu biểu nhất là sự kiện ngày 11/6 xảy ra tại xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau sự việc này, các tổ chức phản động vẫn tiếp tục có tin bài xuyên tạc, bóp méo, nói xấu chế độ, nhằm làm mất ổn định tình hình và tạo mâu thuẫn, căng thẳng giữa các dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

“Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm rất lớn để phát triển và chăm lo cho đời sống người dân vùng đồng bào DTTS. Nhà nước không chỉ lo cơm ăn, áo mặc, tạo điều kiện cho bà con xây dựng nhà ở, có đất sản xuất, vay vốn làm ăn, mà còn chăm lo cho trẻ em đến trường; văn hóa truyền thống các dân tộc cũng được gìn giữ, bảo tồn. Do vậy, mỗi người dân, đặc biệt là bà con đồng bào DTTS ở các vùng giáp ranh cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng xấu; không nên vì những lời kích động, dụ dỗ, hay vì một số lợi ích nhỏ trước mắt mà quay lưng với đất nước, đồng bào, dân tộc mình”, thượng tá Ánh Hoa nhấn mạnh.

Ma Việt, người có uy tín thôn Suối Cối, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Là người có uy tín của thôn, tôi luôn nhắc nhở bà con chỉ tin tưởng và một lòng đi theo Đảng, vì có Đảng thì bà con mới có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay. Nếu có đối tượng lạ vào thôn và có những lời lôi kéo, dụ dỗ, gây mất ANTT trên địa bàn, bà con sẽ báo chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Việc tổ chức các đợt tuyên truyền nhằm giúp cán bộ cơ sở, người dân liên tục cập nhật về Chương trình 1719 và các chủ trương, chính sách khác của Nhà nước. Hoạt động này còn giúp định hướng, tăng cường tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, hoạt động của các đối tượng xấu, các thế lực thù địch, qua đó vận động bà con thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo AN-QP, TTATXH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Ông La Văn Nghĩa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/420/318270/nang-cao-kien-thuc-phap-luat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html