Lần đầu tiên dùng robot mổ ung thư phổi
Các chuyên gia Bệnh viện K và Nhật Bản đã cùng phối hợp thực hiện thành công ca phẫu thuật ung thư phổi ứng dụng hệ thống Robot Davinci thế hệ Xi đầu tiên tại Việt Nam.
Đoàn chuyên gia quốc tế đã cùng thảo luận và phẫu thuật nội soi bằng hệ thống Robot Davinci thế hệ Xi điều trị ung thư phổi cho bệnh nhân nam, 59 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện K. Ca mổ với nhiều chuyên gia đến từ các bệnh viện khu vực theo dõi và trao đổi trực tiếp. Sau 3 giờ, ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, điều trị.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “Phẫu thuật mổ mở ung thư phổi là phương pháp kinh điển được áp dụng trong điều trị ung thư phổi từ rất lâu. Tuy nhiên, phương pháp này thường để lại một sẹo dài gây mất thẩm mĩ cho bệnh nhân, quá trình phục hồi cũng vì thế mà lâu hơn, cảm giác đau nhiều hơn.
Phẫu thuật robot điều trị ung thư phổi có nhiều ưu điểm hơn. Cụ thể, hình ảnh quan sát rõ nét, các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện phẫu tích tỉ mỉ; phẫu thuật viên có thể thao tác chính xác. Ngoài ra nó có nhiều ưu điểm vượt trội như đảm bảo thẩm mĩ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được đảm bảo.
“Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như: ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực; ho ra máu. Đặc biệt với những đối tượng nguy cơ cao như người có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài, người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích ... thì ngay khi có những biểu hiện ban đầu cũng cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời”. PGS.TS Phạm Văn Bình
Chúng tôi cũng rất vui mừng vì ca phẫu thuật ung thư phổi bằng hệ thống Robot Davinci Xi lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện K, đánh dấu bước ngoặt trong phẫu thuật robot tại bệnh viện. Bệnh viện K đã ứng dụng hệ thống này để điều trị thực hiện các ca phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa, ung thư đầu cổ, phụ khoa, tiết niệu...”.
Mở ra nhiều cơ hội
TS. Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực chia sẻ: “Ca phẫu thuật thành công này và sự trao đổi, chia sẻ giữa các chuyên gia Bệnh viện K và Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong điều trị ung thư, đặc biệt phẫu thuật nội soi robot điều trị bệnh lí lồng ngực nói chung, ung thư phổi nói riêng”.
Các chuyên gia khuyến cáo, biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ khiến cho người bệnh chủ quan nghĩ rằng đó là các bệnh hô hấp.
“Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như: ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực; ho ra máu. Đặc biệt với những đối tượng nguy cơ cao như người có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài, người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích ... thì ngay khi có những biểu hiện ban đầu cũng cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời”, TS. Bình nói.
Hiện mới chỉ có khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn sớm có khả năng phẫu thuật. Theo số liệu thống kê tại Việt Nam năm 2020, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lan-dau-tien-dung-robot-mo-ung-thu-phoi-post1540431.tpo