Lần đầu tiên ghép tủy cho BN mắc bệnh về da hiếm gặp

Bé Nguyễn Việt A (Vĩnh Phúc), 4 tuổi, đã được ghép tế bào gốc từ tủy xương để chữa bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh, một căn bệnh hiếm gặp.

(VTC News) – Bé Nguyễn Việt A (Vĩnh Phúc), 4 tuổi, đã được ghép tế bào gốc từ tủy xương để chữa bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh, một căn bệnh hiếm gặp về da.

Ngày 26/10, Bệnh viện Nhi Trung ương đã công bố ca ghép tế bào gốc từ tủy xương thành công cho một bệnh nhi lên 4 tuổi, cháu Nguyễn Việt A (Vân Giang – Lý Nhân – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) bị mắc bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh.

Bé A sau khi được ghép tủy đã lành các nốt bỏng trên da

Bé A mắc bệnh nguy hiểm này từ khi mới sinh ra, với rất nhiều bọng nước lan tỏa ở da và niêm mạc. Do da bị yếu nên ngón tay và chân của bé bị dính lại, thành một bọc như bao tay. Bệnh còn làm hẹp thực quản và gây ra bệnh đường ruột làm ảnh hưởng sự hấp thu, gây rối loạn phát triển, thiếu máu, suy dinh dưỡng nặng. Các bác sĩ nhận định, các nốt bỏng nước trên người bé A lên tới 80% bề mặt da. Niêm mạc bị loét khiến bé ăn uống rất khó khăn.

Trên thế giới, đây được xem là bệnh rất khó chữa, bệnh nhân sống không quá 40 tuổi với những đau đớn thường trực, cơ thể luôn bốc mùi vì có những tổn thương trên da không thể tự lành.

Do bệnh có nguyên nhân từ đột biến các gen mã hóa cho bất kể một trong 12 protein của biểu bì da hoặc đáy màng da nên các bác sĩ tại bệnh viện Nhi trung ương đã thử nghiệm giải pháp ghép tế bào gốc từ tủy xương. Bé A là trường hợp đầu tiên trên cả nước thử nghiệm phương pháp mới này. Người cho tủy là chị của bé A, năm nay lên 10 tuổi.

Ca ghép tiến hành vào ngày 16/9/2011. Đến nay đã được 40 ngày, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ rệt.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Sau khi ghép tủy, tổn thương da đã giảm đi rõ rệt, không còn rộp. Từ diện tích 80% da bị bỏng nước, đến nay chỉ còn 7,5%. Những tổn thương da đã có thể tự lành, lượng bạch cầu và tiểu cầu đã về lại mức bình thường”.

Được biết, bệnh nhi này vẫn tiếp tục ở lại viện để theo dõi thêm, đánh giá sự phục hồi của da cho tới ngày thứ 100 đồng thời theo dõi nhiều chỉ số khác trong máu. Tuy nhiên, theo nhận định của các bác sĩ, đây là một thành công đáng ghi nhận, là hướng đi khả quan để chữa cho các bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo này.

HL

Tin liên quan

» Mùi xác chết và nỗi ghê sợ 30 ngày tại BV Da Liễu

Nguồn VTC: http://vtc.vn/321-307035/suc-khoe-gioi-tinh/lan-dau-tien-ghep-tuy-cho-bn-mac-benh-ve-da-hiem-gap.htm