Nghiệm thu đề tài khoa học về phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài
Chiều 25/12, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học Quân sự (HĐKHQS) Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ Tư lệnh BĐBP năm 2024 với chủ đề 'BĐBP tham gia phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài' do Thượng tá, Thạc sĩ Đàm Đình Khang, Giảng viên Khoa Biên phòng, Học viện Biên phòng làm chủ nhiệm đề tài. Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP, Chủ tịch HĐKHQS Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trì buổi nghiệm thu.
Tại buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài, Thượng tá, Thạc sĩ Đàm Đình Khang đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài. Theo đó, đề tài “BĐBP tham gia phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài” được cấu trúc hợp lý, chặt chẽ, khoa học, với 3 chương, 7 mục; các phương pháp nghiên cứu phù hợp với đối tượng, mục tiêu và nội dung nghiên cứu, giải quyết được những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra. Các số liệu và nguồn tài liệu rõ ràng, khách quan, trung thực và toàn diện.
Trên cơ sở phân tích làm rõ một số vấn đề lý luận và khảo sát, tổng hợp, đánh giá, phân tích tỉ mỉ, cụ thể, khách quan, toàn diện các số liệu có liên quan về công tác phòng, chống khai thác IUU, Đề tài nêu rõ, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, việc tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, là một trong những yếu tố quan trọng gắn với chức năng của BĐBP để duy trì an ninh, trật tự, ổn định ở khu vực biên giới, cửa khẩu, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam ở khu vực biên giới. Đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp BĐBP phải luôn quán triệt và vận dụng đúng đắn đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài để phát triển kinh tế biển bền vững, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đề tài đã nêu rõ thực trạng, rút ra những tác động, ảnh hưởng về thuận lợi, khó khăn, những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đối với công tác phòng, chống khai thác IUU. Đề tài nêu rõ, những năm qua, phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài đã được Đảng, Nhà nước, cùng các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển bền vững và cảnh báo thẻ vàng của EC về khai thác IUU; hoạt động khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội và an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển. Do vậy, việc nghiên cứu BĐBP tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài là vấn đề cấp bách mang tính thực tiễn hiện nay.
Từ khái niệm BĐBP tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, đề tài đã phân tích, làm rõ về chủ thể tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài của BĐBP. Với việc phân tích cụ thể vị trí, vai trò của BĐBP trong tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, đề tài đã nghiên cứu, xác định các nội dung biện pháp BĐBP tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài của BĐBP. Đây là những cơ sở quan trọng để đề tài đánh giá thực trạng BĐBP tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài.
Trên cơ sở đó, đề tài chỉ rõ những ưu điểm và tồn tại, thiếu sót cũng như nguyên nhân, dự báo tình hình khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài; đánh giá sát đúng các yếu tố tác động đến BĐBP tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài. Từ đó, đề tài đã đề xuất hệ thống giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để phát huy tối đa những ưu điểm đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nhằm nâng cao hiệu quả BĐBP tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Việt Nam nói chung, các tỉnh tuyến biển nói riêng.
Với việc nghiên cứu toàn diện, có hệ thống từ lý luận đến thực tiễn hoạt động BĐBP tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, nhóm tác giả đề tài đã góp thêm những hiểu biết, nâng cao nhận thức của các cấp trong BĐBP trong công tác tham mưu, đề xuất ban hành các chính sách, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ BĐBP, nhằm huy động tối đa nguồn lực để nâng cao hiệu quả tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài của BĐBP trong thời gian tới.
Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài, các thành viên trong HĐKHQS Bộ Tư lệnh BĐBP đã dành thời gian đánh giá, nhận xét, cho ý kiến và góp ý, đánh giá đề tài. HĐKHQS Bộ Tư lệnh BĐBP thống nhất đánh giá việc nghiên cứu đề tài trên là cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, có tính khả thi cao. Đây là những cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng đáp ứng một phần cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và làm cơ sở vận dụng vào thực tiễn của lực lượng BĐBP tham gia phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài trong thời gian tới.
Thay mặt HĐKHQS Bộ Tư lệnh BĐBP, Đại tá Vũ Văn Hưng đánh giá cao công trình nghiên cứu khoa học do Thượng tá, Thạc sĩ Đàm Đình Khang làm chủ nhiệm đề tài.
Đồng chí Chủ tịch HĐKHQS Bộ Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh, đề tài khoa học này là công trình nghiên cứu độc lập, công phu, nghiêm túc, vừa mang tính lý luận, khoa học, vừa sát với thực tiễn hiện nay. Ban Chủ nhiệm đề tài rất chủ động, tích cực nghiên cứu, thu thập thông tin, tài liệu, xây dựng và hoàn chỉnh đề tài đảm bảo đúng tiến độ, nội dung, đối tượng nghiên cứu, thời gian, yêu cầu đặt ra. Ban Chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu những ý kiến góp ý của các thành viên HĐKHQS Bộ Tư lệnh BĐBP, qua đó sửa chữa, bổ sung, chỉnh lý, hoàn chỉnh đề tài. Đồng chí cũng yêu cầu sau buổi đánh giá, nghiệm thu, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục tham mưu giúp Ban Chủ nhiệm đề tài bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện đề tài để trình Bộ Tư lệnh BĐBP xét duyệt, thông qua.