Lần đầu tiên lập bản đồ chi tiết về địa chất Mặt trăng
Từ các dự liệu nghiên cứu lâu dài, có hệ thống về địa hình, địa chất,.., bề mặt Mặt trăng lần đầu tiên được lập bản đồ hoàn chỉnh, chi tiết với sự hợp tác của Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) và Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Interestingengineering dẫn báo cáo từ Phys.
Lần đầu tiên, toàn bộ bề mặt của Mặt trăng đã được lập bản đồ hoàn chỉnh và phân loại thống nhất, theo USGS. Thậm chí còn có một video miễn phí về Mặt trăng quay chậm.
Bản đồ Mặt trăng, được đặt tên là "Bản đồ địa chất hợp nhất Mặt trăng", sẽ là bản vẽ cuối cùng mới về địa chất Mặt trăng, phục vụ tất cả các nhiệm vụ của con người trong tương lai, Phys.org báo cáo.
Nó cũng sẽ là tài liệu vô giá đối với cộng đồng khoa học, các nhà giáo dục, và tất nhiên, với công chúng nói chung.
Bản đồ kỹ thuật số là miễn phí và có thể khai thác trực tuyến, hiển thị địa chất của Mặt trăng một cách chi tiết chưa từng có (tỷ lệ 1:5.000.000). "Mọi người luôn bị mê hoặc bởi Mặt trăng. Vì vậy, thật tuyệt vời khi USGS tạo ra một nguồn tài liệu quan trọng có thể giúp NASA lên kế hoạch cho sứ mệnh trong tương lai.", Jim Reilly, Giám đốc USGS và là cựu phi hành gia NASA, nói.
Để biến bản đồ số thành hiện thực, các nhà khoa học đã sử dụng thông tin được thu thập từ 6 bản đồ khu vực thời Apollo, được hợp nhất với các dữ liệu nghiên cứu gần đây về Mặt trăng.
Ngoài việc hợp nhất dữ liệu mới và cũ, các nhà nghiên cứu của USGS còn nghiên cứu mô tả thống nhất về địa tầng các lớp đá trên bề mặt của Mặt trăng. Điều này giúp giải quyết các vấn đề từ các bản đồ trước đó, khi tên đá, độ tuổi và mô tả không nhất quán, Phys.org báo cáo.
"Bản đồ này là một tài liệu hoàn chỉnh của một dự án kéo dài hàng thập kỷ. Nó cung cấp thông tin quan trọng cho các nghiên cứu khoa học mới, bằng cách kết nối các khảo sát vị trí cụ thể trên Mặt trăng với phần còn lại của bề mặt Mặt trăng.", nhà địa chất học và tác giả chính của USGS Corey Fortezzo cho biết.
Dữ liệu độ cao của vùng xích đạo của Mặt trăng được thu thập bởi các camera địa hình do JAXA chủ trì; trong khi địa hình của các cực nam và bắc đã được bổ sung dữ liệu từ máy đo độ cao Laser Lunar Orbiter của NASA.
Trước đó, trong sứ mệnh SELENE của Nhật Bản, được thực hiện từ cuối năm 2007, JAXA đã tìm hiểu nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt trăng nhờ các thiết bị quan sát Mặt trăng theo nhiều cách khác nhau. Cho đến nay, sứ mệnh đã thu thập được một lượng lớn thông tin về Mặt trăng, bao gồm thành phần nguyên tố và khoáng vật học, địa lý, cấu trúc bề mặt, tàn dư của từ trường và trường hấp dẫn; quan sát plasma, trường điện từ và các hạt năng lượng cao.