Lần đầu tiên một bệnh viện nhi mổ được tim hở cho trẻ nặng 1,6kg
Một bé gái sinh non, có dấu hiệu suy hô hấp, suy tim, cân nặng chỉ có 1,6kg, nếu không phẫu thuật để đóng lỗ thông liên thất thì bệnh nhi có nguy cơ tử vong rất cao, còn phẫu thuật với trọng lượng quá nhỏ như thế sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Cuối cùng các bác sĩ đã mổ thành công, cứu bé gái này thoát chết trong gang tấc.
Ngày 30.6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay bệnh viện này vừa thực hiện thành công một ca phẫu thuật tim hở để đóng lỗ thông liên thất cho một bệnh nhi sinh non tháng, cân nặng chỉ có 1,6kg, cứu cháu bé thoát khỏi nguy cơ tử vong.
Bệnh nhi trên là con gái của chị Lê Ngọc Anh Thư (ngụ ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bé được chuyển đến từ Bệnh viện Từ Dũ vào ngày 21.5 trong tình trạng có lỗ thông liên thất (VSD) khá lớn lên đến 7mm và tồn tại một ống động mạch (PDA) cũng khá lớn khoảng 6mm ở tim.
Trước đó, vào ngày 20.4, chị Thư đã sinh bé gái này lúc 30 tuần tuổi thai, cân nặng 1 kg tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi sinh, bé gái được được phát hiện có PDA khá lớn lên đến 6mm, còn VSD lên đến 7mm. Tại đây, các bác sĩ tiến hành điều trị bằng Ibuprofen 10/5/5 với hy vọng sẽ đóng lại ống động mạch. Ngoài ra, bé còn được điều trị thuốc Digoxin để chống suy tim.
Tuy nhiên, sau 1 tháng điều trị, bé vẫn phải hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP). Trong khi đó, tình trạng sức khỏe của bé được các bác sĩ ghi nhận là bé bị viêm phổi, bóng tim to.
Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ tiến hành hội chẩn với bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thì tiếp tục ghi nhận PDA và VSD vẫn còn quá lớn ở mức như cũ. Ngay lập tức, bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiến hành phẫu thuật cột ống động mạch.
PSG.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết qua chẩn đoán tại đây cho thấy bệnh nhi bị viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, còn PDA và VSD vẫn khá to. Bệnh nhi được điều trị kháng sinh và nuôi ăn hoàn toàn qua đường tĩnh mạch.
Sau đó, bệnh nhi được phẫu thuật cột ống động mạch (PDA). Đến ngày 12.6, bệnh nhi vẫn còn viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Đặc biệt tình trạng suy tim vẫn không cải thiện. Tăng lượng máu lên phổi nhiều. Bệnh nhi tiếp tục điều trị kháng sinh để khống chế viêm phổi, nhiễm trùng huyết, hỗ trợ NCPAP và dùng Digoxin để điều trị suy tim.
“Khi bé được 37 ngày tuổi, cân nặng 1,3kg, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật cột ống động mạch (PDA) cho bệnh nhi với hy vọng bé hết bệnh suy tim và lên cân tốt để tiến hành một cuộc mổ hở để đóng lại lỗ thông liên thất (VSD). Mặc dù cân nặng được tăng lên 1,6kg, nhưng tình trạng suy tim vẫn không cải thiện, bệnh nhi vẫn còn thở nhanh và phải dùng Digoxin để điều trị suy tim”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Trước tình hình trên, các bác sĩ ở đây đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất ngay, không thể đưa bệnh nhi về nhà để tiếp tục điều trị suy tim bằng Digoxin chờ cho cân nặng đủ lớn mới tiến hành phẫu thuật.
Các bác sĩ nhận định, hiện bé gái đang có dấu hiệu suy hô hấp và suy tim, nếu sử dụng Digoxin tại nhà để ngăn ngừa suy tim cho một đứa trẻ sinh non mới có 1,6kg thì rất nguy hiểm, vì nguy cơ ngộ độc gây tử vong rất cao.
“Rất may mắn ca phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất đã diễn ra một cách suôn sẽ. Cuối cùng bệnh nhi đã đóng được lỗ thông liên thất thành công khi cân nặng đúng 1,6kg. Đây là ca mổ tim hở nhẹ ký nhất thành công từ trước tới nay tại bệnh viện này. Hiện bệnh nhi đã tăng cân, bú khỏe, mỗi lần bú khoảng 40ml sữa. Nếu không có gì thay đổi, khoảng 1 tuần nữa bệnh nhi sẽ xuất viện”, bác sĩ Hùng cho biết.
Theo bác sĩ Hùng, thành công của ca mổ này đánh dấu sự phối hợp ăn ý giữa các khoa lâm sàng và kinh nghiệm của từng thành viên trong kíp mổ. Đây cũng là một bước ngoặc đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của chuyên ngành phẫu thuật tim và thông tim can thiệp của bệnh viện sau 15 năm triển khai.