Lần đầu tiên phẫu thuật u giáp thành công qua đường miệng
Bệnh viện K cho biết, ngày 21-3, lần đầu tiên bệnh viện triển khai kỹ thuật cắt u tuyến giáp qua đường miệng cho nữ bệnh nhân 19 tuổi. Ca phẫu thuật thành công, đánh dấu bước tiến mới trong việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào điều trị cho người bệnh.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Q (19 tuổi), quê ở Hà Giang nhập viện vì được chẩn đoán có khối u lành tính ở thùy trái tuyến giáp kích thước khoảng 2,5cm gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ vùng cổ. Sau khi hội chẩn, nhận thấy khối u gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Ngoại Đầu Cổ, Bệnh viện K chỉ định phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u.
Sau khi cân nhắc, các bác sĩ tại Khoa Ngoại Đầu Cổ tư vấn phương pháp mới, hiện đại cho bệnh nhân đó là cắt bỏ u tuyến giáp qua đường miệng. Đây là một phương pháp có ưu điểm vượt trội như an toàn, hoàn toàn không để lại sẹo như các phương pháp khác; có thể cắt u tuyến giáp ở cả hai thùy bằng một đường vào, đường tiếp cận ngắn nhất; ít chảy máu; diện bóc tách ít; bệnh nhân có thể hồi phục nhanh ngay sau phẫu thuật, giảm thiểu tối đa thời gian nằm viện.
Ngày 21-3, ê kíp phẫu thuật bao gồm PGS, TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K, kiêm Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ, cùng với Ths, BS Ngô Xuân Quý, Phó khoa Ngoại Đầu cổ và Ths, BS Ngô Quốc Duy cùng với ê kíp gây mê hồi sức bệnh viện K đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Với sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, ca phẫu thuật diễn ra thành công. Một ngày sau mổ bệnh nhân có thể đi lại, ăn uống bình thường.
PGS, TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K, kiêm Trưởng khoa Ngoại Đầu Cổ cho biết, tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên, đây là cơ quan hay xuất hiện khối u cả lành và ác tính. Đối với ung thư tuyến giáp, chỉ định mổ gần như bắt buộc, còn đối với u lành tính, chỉ định mổ khi kích thước khối u lớn gây ảnh hưởng đến chức năng nuốt, thẩm mỹ của bệnh nhân.
U tuyến giáp thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Khi có chỉ định phẫu thuật, có hai phương pháp chủ yếu đó là mổ mở và mổ nội soi. Mổ mở là phương pháp mổ truyền thống, cần phải rạch một đường ở nền cổ với đường kính khoảng 4-6 cm. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có sẹo ở nền cổ, điều này gây mất thẩm mỹ, đặc biệt với những bệnh nhân nữ trẻ tuổi. Vì thế, phương pháp bỏ u tuyến giáp qua đường miệng là một kỹ thuật tiên tiến, không để lại sẹo cho người bệnh. Lần đầu tiên tại Việt Nam nói chung, Bệnh viện K nói riêng, kỹ thuật này đã được triển khai thành công, đánh dấu bước tiến mới trong phẫu thuật tuyến giáp tại Việt Nam.