Lần đầu tiên Quỹ từ thiện của Bill Gates trực tiếp nắm giữ cổ phiếu của một doanh nghiệp Việt
Nắm hơn 1 triệu cổ phiếu MCH, Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation Trust của tỷ phú người Mỹ đang có hơn 0,14% vốn tại Masan Consumer.
Mới đây, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MCH) đã công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến về việc chia cổ tức bổ sung năm 2023. Kết quả, đã có 97,3% số cổ phần của công ty đã đồng ý với phương án chia bổ sung bằng tiền với tỷ lệ 168%, tương đương mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 16.800 đồng.
Trong danh sách các cổ đông tham gia biểu quyết, đáng chú ý có sự xuất hiện của Bill & Melinda Gates Foundation Trust. Tổ chức này hiện đang nắm hơn 1,04 triệu cổ phiếu MCH, tương đương hơn 0,14%, có giá trị thị trường hiện đạt 212 tỷ đồng. Đây là cổ đông lớn thứ 11 của Masan Consumer.
Với phương án chia cổ phiếu như trên, Quỹ từ thiện của Bill Gates sẽ nhận về gần 17,5 tỷ đồng. Cộng với trước đó Masan Consumer đã chi trả cổ tức cho năm 2023 với tỷ lệ 100% bằng tiền, như vậy, tổng số tiền quỹ này nhận có thể lên đến gần 28 tỷ đồng.
Bill & Melinda Gates Foundation Trust là công ty nhận ủy thác tài chính từ Bill & Melinda Gates Foundation - quỹ từ thiện được góp vốn bởi nhà sáng lập Microsoft Bill Gates và vợ cũ Melinda French Gates, về sau có thêm sự tham gia của tỷ phú đầu tư Warren Buffett. Tính đến cuối năm 2023, giá trị tài sản ròng của công ty ủy thác đạt khoảng 75,2 tỷ USD, chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính.
Từ lâu, Bill & Melinda Gates Foundation Trust đã gián tiếp đầu tư vào Việt Nam. Họ tham gia thị trường chứng khoán thông qua Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường do Dragon Capital quản lý. Đến cuối tháng 6, quỹ này là cổ đông lớn thứ hai của VEIL khi nắm gần 24,7 triệu chứng chỉ quỹ.
Trừ Masan Consumer, Bill & Melinda Gates Foundation Trust chưa từng trực tiếp nắm giữ cổ phiếu của bất kỳ doanh nghiệp Việt nào.
Đáng chú ý, mặc dù mạnh tay đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng cuối năm 2023, quỹ của Bill Gates lại bán một loạt cổ phiếu của các "ông lớn" ngành công nghệ thế giới. Theo dữ liệu từ Dataroma, trong quý IV/2023, Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust đã bán toàn bộ các cổ phiếu công nghệ như Apple, Meta (công ty mẹ của Facebook), Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon và Nvidia.
Quỹ cũng bán sạch hàng loạt cổ phiếu "tên tuổi" khác như Walt Disney, Morgan Stanley, Johnson & Johnson, Unilever, Goldman Sachs, Exxon Mobil, Lockheed Martin, PepsiCo,… Ngoài ra, quỹ của Bill Gates còn bán bớt 2 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục là Microsoft, Berkshire Hathaway.
Lần này, Masan Consumer dự tính chi hơn 12.000 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức bổ sung. Công ty gần như dùng hết lợi nhuận lũy kế để thực hiện, khi lãi sau thuế chưa phân phối đến cuối năm ngoái khoảng 12.178 tỷ đồng. Động thái trên diễn ra trước thềm chuyển MCH từ UPCoM sang sàn HoSE, dự kiến trong đầu năm sau.
Masan Consumer chia cổ tức khủng nhờ có lãi kỷ lục 7.195 tỷ đồng trong năm trước, tăng 30% so với năm 2022. Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Masan Consumer đạt doanh thu thuần 13.968 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giai đoạn này hơn 6.492 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 46,5%.
Công ty báo lãi trước thuế 3.923 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.458 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,6% và 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Masan Consumer đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 31.500 - 34.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.300 - 7.500 tỷ đồng. Sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 40,5 - 44,3% kế hoạch doanh thu và 46,1 - 47,4% mục tiêu lợi nhuận.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông năm nay, ban lãnh đạo cho biết Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017-2023, đặt mục tiêu tăng trưởng hơn nữa thị trường mục tiêu bằng việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.
“Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu”, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer nhấn mạnh.
Theo báo cáo tài chính thời gian gần đây của Tập đoàn Masan có thể thấy, Masan Consumer là một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Tập đoàn Masan, bên cạnh chuỗi bán lẻ hiện đại WinCommerce. Masan Consumer hiện có 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty mẹ là Tập đoàn Masan.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MCH đã tăng hơn gấp đôi, hiện đạt trên 200.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với vốn hóa thị trường đạt 147.600 tỷ đồng (5,9 tỷ USD).