Lần đầu tiên thực hiện bắt 2 cầu mạch vành bằng xâm lấn tối thiểu trong phẫu thuật tim

Ngày 29-12, BS CK2 Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện vừa triển khai một kỹ thuật mới bắt 2 cầu mạch vành bằng xâm lấn tối thiểu, quan sát trực tiếp, có nội soi hỗ trợ trong phẫu thuật tim. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như tại khu vực phía Nam.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân

Bệnh nhân là ông L.V.N. (62 tuổi, ngụ Đồng Tháp) phát hiện mình bị các bệnh về mạch vành từ rất lâu. 12 năm trước, bệnh nhân đã được đặt các stent ở các động mạch liên thất trái trước, động mạch mũ, động mạch bên phải… Sau này, 2 trong số các stent đã dần dần bị tắc, khả năng tái can thiệp gần như không thể thực hiện được, buộc các bác sĩ phải tiến hành mổ hở.

Cuối năm 2021, bệnh nhân L.V.N. nhập Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng đau thắt ở ngực, hạn chế vận động do các động mạch bị tắc và có nguy cơ tử vong cao nếu không được tiến hành can thiệp sớm. Tại khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi được thăm khám và chẩn đoán, bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng cách lấy một đoạn động mạch ngực trong nối vào một nhánh liên thất xuống bên trái. Đây là nhánh mạch vành quan trọng nhất trong tim, được nuôi bằng một cầu động mạch.

Đồng thời, bệnh nhân cũng được mổ bắt cầu mạch vành thứ hai, lấy một tĩnh mạch ở chân để nối vào một nhánh bờ ở phía bên trái. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân L.V.N chia sẻ rằng vết mổ của ông rất nhỏ và không gây đau đớn nhiều. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện về nhà.

Theo bác sĩ Nguyễn Thái An, trong các ca phẫu thuật mạch vành trước đây, thông thường bệnh nhân sẽ được mổ bằng cách cưa xương ức ở giữa. Khuyết điểm của phương pháp này chính là việc bệnh nhân sẽ bị mất máu nhiều, gây đau đớn, đồng thời mất nhiều thời gian để hồi phục.

Trong khi đó, theo phương pháp phẫu thuật mới được thực hiện tại khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy, thay vì cưa xương ức, các bác sĩ sẽ chỉ tiến hành một đường mổ nhỏ, chừng 5-7 cm ở ngực trái của bệnh nhân và sau đó sẽ thực hiện các cầu nối mạch vành.

“Trước đây khoa đã nhiều lần thực hiện kỹ thuật tương tự, nhưng chỉ bắt một cầu mạch vành. Và đây chính là lần đầu tiên có một bệnh nhân được thực hiện bắt 2 cầu mạch vành theo phương pháp này tại Bệnh viện Chợ Rẫy”, bác sĩ Thái An thông tin.

Theo bác sĩ Thái An, mổ mạch vành là một phẫu thuật khó, nhất là đối với những trường hợp không dùng dung dịch làm liệt tim. Đặc biệt, trong trường hợp phẫu thuật này, bên cạnh tay nghề, kinh nghiệm của ê-kíp phẫu thuật để thực hiện vết mổ nhỏ, hạn chế đau đớn, các y bác sĩ còn được hỗ trợ bằng nhiều thiết bị theo dõi hiện đại, như siêu âm thực quản, nội soi…

“Các bệnh nhân mắc bệnh tắc, hẹp mạch vành nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và can thiệp càng sớm càng tốt. Lúc đó, tim của bệnh nhân chưa bị tình trạng thiếu máu nặng nề, chưa bị giãn, các buồng tim chưa lớn ra, cơ tim cũng chưa mỏng đi… Bệnh nhân càng đến sớm, các bác sĩ sẽ càng có thêm nhiều phương án để lựa chọn và giúp bệnh nhân sớm hồi phục”, bác sĩ Thái An khuyến cáo.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lan-dau-tien-thuc-hien-bat-2-cau-mach-vanh-bang-xam-lan-toi-thieu-trong-phau-thuat-tim-785263.html