Lần đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công phôi lai giữa người và khỉ
Các nhà nghiên cứu đã đưa 25 tế bào EPS của người vào 132 phôi của khỉ cynomolgus và nuôi cấy chúng trong đĩa petri trong 20 ngày. Kết quả cho thấy những tế bào người này có sức sống lâu bền.
Trong số mới nhất của tạp chí Cell, nhóm nghiên cứu khoa học liên kết Trung Quốc và Mỹ cho biết họ đã tạo ra phôi lai đầu tiên giữa người và khỉ. Đây là phôi thai đầu tiên bao gồm tế bào người và tế bào khỉ. Những phôi lai được gọi là chimera này sẽ giúp các nhà khoa học nuôi cấy thêm mô người ở các loài khác (chẳng hạn như lợn), nhưng nghiên cứu mới nhất cũng đã gây ra một số tranh cãi về đạo đức.
Vào năm 2017, các nhà khoa học từng thử cấy ghép tuyến tụy được phát triển từ tế bào gốc của chuột vào phôi chuột, chữa khỏi bệnh tiểu đường của loài chuột này. Nhưng cũng trong năm đó, Giáo sư Juan Izpisua-Belmont thuộc Viện Salk, Mỹ đã không đạt được kết quả khả quan trên những động vật có quan hệ họ hàng xa hơn (chẳng hạn như người và lợn).
Nghiên cứu nói trên được thực hiện ở lợn đã sử dụng tế bào da người được lập trình lại thành tế bào gốc, trong khi nghiên cứu mới nhất thực hiện một cách tiếp cận khác và sử dụng tế bào gốc đa năng mở rộng mạnh mẽ hơn (EPS), bằng cách cho tế bào gốc tiếp xúc với hỗn hợp phân tử khiến nó có thể tạo ra nhiều loại tổ chức hơn.
Các nhà nghiên cứu đã đưa 25 tế bào EPS của người vào 132 phôi của khỉ cynomolgus và nuôi cấy chúng trong đĩa petri trong 20 ngày. Kết quả cho thấy những tế bào người này có sức sống lâu bền. Cụ thể, sau 13 ngày, khoảng 1/3 tế bào người vẫn tồn tại trong phôi lai chimera. Bằng cách phân tích hoạt động của gen, các nhà nghiên cứu cũng xác định được rằng phân tử có thể thúc đẩy sự kết hợp giữa tế bào người và khỉ. Giáo sư Juan Izpisua-Belmont nói rằng việc điều khiển một số phân tử có thể giúp tế bào người tồn tại trong phôi của các loài "phù hợp hơn với y học tái tạo".
Nghiên cứu mới nhất đã gây được sự chú ý lớn từ giới khoa học. Nhà sinh học tế bào gốc Alejandro de Los Angeles tại Đại học Yale đã phát biểu: "Bài báo này là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực tế bào gốc và phôi lai chimera giữa các loài". Tác giả Daniel Gary cũng nói thêm, khám phá này cho thấy tế bào của một loài có thể tồn tại trong phôi của loài khác.
Mặt khác, tạp chí Nature lại đăng tải bài báo về các vấn đề đạo đức tiềm ẩn của nghiên cứu mới nhất. Bài báo chỉ ra rằng nếu những phôi lai giữa người và khỉ này được cấy vào động vật và cuối cùng phát triển thành một sinh vật nhất định, hoặc thậm chí sinh ra sinh vật này thì các vấn đề đạo đức rõ ràng sẽ phức tạp hơn nhiều.
Giống như công nghệ chỉnh sửa gen của phôi người, có những tranh cãi lớn về đạo đức trong việc nuôi cấy phôi lai chimera giữa người và các động vật khác. Một mặt, sự phát triển của những công nghệ này có thể mang lại lợi ích cho nhân loại trong y học, chẳng hạn như điều trị một số bệnh di truyền bẩm sinh hoặc nuôi cấy các cơ quan quan trọng. Mặt khác, những công nghệ liên quan đến di truyền sinh sản có thể dễ dàng tác động đến các chuẩn mực đạo đức của con người xã hội và gây ra những vấn đề lớn. Phát triển thận trọng và giám sát chặt chẽ có thể là cách duy nhất để phát triển các công nghệ như vậy.
(*) Chimera là thuật ngữ di truyền học dùng để chỉ một cơ thể sinh vật hoặc một mô hay một cơ quan mang nhiều bộ NST khác nhau, thường được tạo thành qua sự hợp nhất của nhiều hợp tử khác nhau hoặc sự dung hợp các bộ gen khác nguồn.
Xem thêm: Phát hiện sốc về loài chim cổ quái sống cạnh khủng long, chuyên ăn các loại đá quý