Lần đầu tiên trong lịch sử, một vật thể nhân tạo 'chạm' tới Mặt trời
Tàu vũ trụ Parker Solar Probe lao qua vành nhật hoa - bầu khí quyển chưa từng được khám phá của Mặt trời, chính thức 'chạm' tới ngôi sao ở trung tâm Hệ Mặt Trời.
Các nhà khoa học của NASA công bố thông tin này trong cuộc họp của Liên minh Địa vật lý Mỹ hôm 14/12.
Hồi tháng 4, tàu vũ trụ Parker đã bay xuyên qua vành nhật hoa trong lần thứ 8 tiếp cận gần mặt trời. Dự kiến sẽ mất vài tháng để tàu vũ trụ của NASA gửi thông tin về và thêm nhiều tháng nữa để xác nhận các dữ liệu này.
Được phóng lên vũ trụ vào năm 2018, tàu Parker cách tâm Mặt trời 13 triệu km trong lần đầu tiên xuyên qua vành nhật hoa.
Con tàu vũ trụ của NASA đã ra, vào vành nhật hoa ít nhất 3 lần và cả 3 đều diễn ra rất suôn sẻ. Theo ông Justin Kasper - nhà khoa học tới từ Đại học Michigan (Mỹ), vầng hào quang có vẻ bụi hơn dự kiến.
Thomas Zurbuchen, Phó Giám đốc phụ trách sứ mệnh khoa học tại NASA gọi thời điểm tàu Parker "chạm" tới Mặt trời là một cột mốc quan trọng, cung cấp hiểu biết sâu sắc hơn về sự tiến hóa của Mặt trời và tác động của nó đối với hệ Mặt trời.
Chuyến bay tới Mặt trời tiếp theo của tàu Parker dự kiến diễn ra vào tháng 1/2022.
Theo lịch trình ban đầu, con tàu của NASA sẽ hoàn thành 24 lần bay quanh Mặt Trời trước khi kết thúc sứ mệnh vào năm 2025.
Con tàu với trị giá 1,5 tỷ USD dự kiến sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về Mặt Trời và hàng tỷ ngôi sao lùn màu vàng khác, đồng thời hé mở những bí ẩn như tại sao vành nhật hoa - phần ngoài cùng của vùng không khí xung quanh Mặt Trời lại nóng hơn bề mặt của nó.
Tàu Parker được bảo vệ bởi lớp giáp nhiệt làm bằng carbon composite phủ gốm dày 11,43 cm, cho phép chịu nhiệt lên tới 1.377 độ C đủ để nó có thể chống chọi khi tiếp cận Mặt Trời ở khoảng cách 6,16 triệu km, gấp gần 7 lần so với kỷ lục 43 triệu km mà tàu vũ trụ Helios 2 thực hiện năm 1976.