Lần đầu tiên từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, giá khí đốt châu Âu giảm mạnh, giá dầu thế giới ra sao?

Ngày 19/4, giá khí đốt tại châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine hôm 24/2, trong khi giá dầu thế giới giảm khoảng 5%.

Giá dầu thế giới giảm 5% trong phiên giao dịch 19/4. (Nguồn: Economic Times)

Giá dầu thế giới giảm 5% trong phiên giao dịch 19/4. (Nguồn: Economic Times)

Vào sáng ngày 19/4, giá khí đốt trên sàn giao dịch Amsterdam - nơi tham chiếu cho giá khí đốt tại châu Âu - giảm 12% xuống còn khoảng 84 Euro/MWh.

Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 23/2, một ngày trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Sau đó, giá khí đốt đã được điều chỉnh khi giao dịch ở mức 92 Euro/MWh.

Theo đánh giá của báo chí Hà Lan, hiện tượng này có thể là do nhu cầu về năng lượng giảm vì giao dịch ít hơn trong thời gian diễn ra tuần nghỉ lễ Phục sinh.

Bất chấp xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, khí đốt tự nhiên từ nước này vẫn tiếp tục được chuyển sang Liên minh châu Âu (EU), song giá khí đốt vốn đã cao lại càng cao. Nhiều nước EU đang phụ thuộc gián tiếp vào khí đốt của Nga, nhưng muốn giảm nhanh sự phụ thuộc.

Trong khi đó, giá dầu thế giới giảm khoảng 5% trong phiên ngày 19/4 do những lo ngại về nhu cầu sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và cảnh báo lạm phát cao.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 5,91 USD (5,22%) xuống 107,25 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 5,65 USD/thùng (5,22%) xuống 102,56 USD/thùng.

Giá dầu đi xuống bất chấp việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hạ sản lượng trong bối cảnh sản lượng của Nga bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

OPEC+ đã sản xuất dưới mức mục tiêu 1,45 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3/2022, còn Nga sản xuất ít hơn 300.000 thùng/ngày so với mục tiêu, ở mức 10,018 triệu thùng/ngày.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng gần 1 điểm phần trăm do căng thẳng Nga-Ukraine, và cho biết, lạm phát hiện là “mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng” với nhiều nước.

Triển vọng u ám này làm gia tăng sức ép lên giá dầu, vốn đang chịu tác động từ đồng USD ở mức cao nhất trong hai năm. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho hàng hóa được định giá bằng USD đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu.

(theo Reuters)

Bảo Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-dau-tien-tu-khi-no-ra-xung-dot-nga-ukraine-gia-khi-dot-chau-au-giam-manh-gia-dau-the-gioi-ra-sao-180874.html