Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai 'giám sát lại'

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động 'giám sát lại', thể hiện trách nhiệm giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng nay (21/8), Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công thương; Văn hóa, thể thao và du lịch.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, UBTV Quốc hội triển khai hoạt động "giám sát lại", thể hiện trách nhiệm của UBTV Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, UBTV Quốc hội.

Qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát.

Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, UBTV Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được UBTV Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.

"Các vấn đề, lĩnh vực UBTV Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn đều là những nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.

Để chuẩn bị cho phiên tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, ngay từ rất sớm (tháng 2/2024), UBTV Quốc hội đã ban hành kế hoạch để các cơ quan có liên quan chủ động chuẩn bị thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị và đã gửi đại biểu Quốc hội 16 báo cáo về các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện có 8 báo cáo nêu ý kiến, đánh giá cụ thể đối với việc thực hiện của từng lĩnh vực.

Theo chương trình phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn 2 nhóm vấn đề. Thời gian chất vấn trong 1,5 ngày.

Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực: Công thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

Phiên chất vấn diễn ra trong 1,5 ngày. Ảnh: Quochoi.vn.

Phiên chất vấn diễn ra trong 1,5 ngày. Ảnh: Quochoi.vn.

Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân đó sẽ trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.

Ngoài ra, mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.

Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lan-dau-tien-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-trien-khai-giam-sat-lai-19224082108504128.htm