Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập

Theo Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 Chương 50 Điều.

Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Điều này giúp “lấp đầy” khoảng trống về pháp lý với nhà giáo ngoài công lập khi Luật Viên chức chỉ chế tài với “người Việt Nam được tuyển dụng và làm việc trong cơ sở giáo dục công lập”.

Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Một giờ học của cô và trò Trường Nguyễn Bình Khiêm (Hà Nội).

Một giờ học của cô và trò Trường Nguyễn Bình Khiêm (Hà Nội).

Theo thống kê, đội ngũ nhà giáo hiện nay có tới 6 nhóm đối tượng, là công chức, viên chức, người lao động, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các trường trong hệ thống các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể.

Các nhóm nêu trên lại gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo dẫn đến một số quy định về nhà giáo thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất. Luật Nhà giáo chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, chính sách tuyển dụng, sử dụng được quy định gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành Giáo dục.

Với dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non; công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; thực hiện giáo dục hòa nhập; là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù.

Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Thời gian qua, Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo đã tổ chức hàng trăm hội thảo, hội nghị, trao đổi, lấy ý kiến…

Bộ GDĐT cho biết, quan điểm xuyên suốt ban hành Luật Nhà giáo để thúc đẩy phát triển đội ngũ nhà giáo, thu hút người có trình độ, tâm huyết vào nghề và “giữ chân” được đội ngũ nhà giáo, chứ không phải xây dựng luật quy định thiết chế để quản lý Nhà nước.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lan-dau-tien-vi-tri-phap-ly-cua-nha-giao-ngoai-cong-lap-duoc-xac-lap-10294068.html