Lần đầu tiên Việt Nam có trường ĐH vào top 1.000: ARWU xếp hạng đại học dựa trên những tiêu chí nào?
Lần đầu tiên một cơ sở GDĐH tại Việt Nam là Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) được Hệ thống xếp hạng đại học Academic Ranking for World Universities (ARWU), xếp vào top 1.000 trường ĐH uy tín năm 2019, với thứ hạng là 901 - 1000. Bảng xếp hạng ARWU được Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) đưa ra. Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng TDTU.
* Việc TDTU lọt vào top 1.000 thế giới theo bảng xếp hạng của ARWU tạo nên sự phấn khích cho GDĐH trong nước. Vậy, bảng xếp hạng của ARWU so với những bảng xếp hạng ĐH khác trên thế giới có sự khác nhau như thế nào, thưa ông?
- Trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học; nhưng thông dụng thì có ARWU, THE, QS, URAP, Leiden, NTU. Trong đó, ARWU được xem là bảng xếp hạng đại học khó nhất vì tính khách quan và yêu cầu rất cao của nó. Trong khi một số bảng xếp hạng đại học khác, thí dụ THE hay QS dựa nhiều vào khảo sát ý kiến của những đối tượng chủ quan do họ chọn; và sử dụng dữ liệu được nộp từ các đại học, thì ARWU tiến hành thu thập dữ liệu độc lập với các đại học theo những tiêu chí rất có tính thuyết phục.
Cụ thể: Chất lượng giáo dục chiếm 10% tổng số điểm (đánh giá dựa trên số cựu sinh viên đạt các giải khoa học lớn như Nobel, Fields...); Chất lượng giảng viên chiếm 20% tổng số điểm (căn cứ vào số giảng viên đạt các giải lớn như Nobel, Fields...; và số nhà nghiên cứu đạt danh hiệu trích dẫn cao theo Web of Science: WoS); Năng suất nghiên cứu khoa học chiếm 40% tổng số điểm (tính trên cơ sở số công trình trên các tạp chí lừng danh như Nature, Science; và những công trình công bố trên các tạp chí ngoại hạng của ISI; trong đó ưu tiên những công trình nhóm SCIE và SSCI). Năng suất học thuật bình quân chiếm 10% tổng số điểm.
GS Lê Vinh Danh phát biểu tại một sự kiện khoa học của TDTU. Ảnh: T.G
* Cảm xúc của ông khi hay thông tin này?
- Tôi vui vì nhiều điều. Thứ nhất, ngôi trường mà tôi dành cả quãng đời đẹp nhất của mình để xây dựng, nay đã được cộng đồng học thuật thế giới công nhận. Tuy nhiên, vì TDTU có chính sách phát triển đúng đắn, theo đường lối của những đại học đẳng cấp quốc tế ngay từ đầu, và cả tập thể TDTU kiên định, đoàn kết đi theo con đường đó, nên việc được xếp hạng như thế là kết quả có tính tất nhiên, không đến sớm thì cũng sẽ đến trong vài năm tới. Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu 30 năm (2007 - 2037) trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa trong top 500 đại học hàng đầu thế giới từ năm 2007; nhưng đến nay chúng tôi đã có đủ bằng chứng để tin rằng không quá 10 năm nữa, TDTU sẽ vào top 500 thế giới; nghĩa là sớm hơn dự định gần 10 năm.
Điều vui thứ hai, việc lần đầu tiên Việt Nam có một ĐH được xếp hạng bởi ARWU sẽ là nguồn cảm hứng rất lớn cho hệ thống ĐH Việt Nam; nhắc nhở mọi người cùng tin rằng ĐH Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm ra thế giới, sánh vai với các ĐH bậc thầy nếu có chính sách phát triển đúng đắn và quyết tâm đi theo cho dù có bất cứ trở lực nào.
Vị trí xếp hạng của TDTU trong bảng xếp hạng của ARWU. (Ảnh chụp lại từ màn hình)
* Những tiêu chí xếp hạng của ARWU so với lộ trình phát triển của TDTU?
- Trong các tiêu chí của ARWU, Tiêu chí số 1 và phần đầu của Tiêu chí số 2 hiện quá sức đối với chúng tôi; nhưng rất may là chỉ chiếm 10%. Chúng tôi đã có kế hoạch; và nghĩ rằng TDTU cần một thập niên nữa để có thể đạt 2 tiêu chí này. Các tiêu chí còn lại thì tôi cho rằng TDTU đã làm rất tốt trong 10 năm qua; và chúng tôi đã và đang tiếp tục củng cố thành quả này một cách quyết liệt.
* Việc đăng ký xếp hạng theo tiêu chí xếp hạng của ARWU diễn ra như thế nào?
- Như tôi đã nói, ARWU là một trong vài hệ thống xếp hạng khách quan nhất. ARWU tự thu thập dữ liệu từ các nguồn công khai và tin cậy trên thế giới. Do đó, họ không biết chúng tôi, và chúng tôi cũng không biết họ. TDTU chẳng phải nộp hồ sơ hay liên hệ; và hiển nhiên là hoàn toàn không tốn bất kỳ chi phí nào cho việc xếp hạng. Họ tự làm mọi thứ; và cá nhân tôi khá bất ngờ khi đột nhiên thấy trong bảng xếp hạng của họ có TDTU.
Đây cũng là điều thứ 3 làm tôi vui. Vì hóa ra cũng có những chủ thể tự làm việc của họ và tự công nhận thành quả của người khác một cách khách quan và tự nhiên; giống như đã là chân lý thì phải công nhận, chẳng quan tâm đến việc chân lý đó thuộc về ai? Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều ĐH của Việt Nam được ARWU xếp hạng, vì đó là sự đánh giá đúng đắn và đáng tin nhất hiện nay.
* Xin cám ơn ông!