Lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu chiết xuất collagen từ sứa biển bằng công nghệ enzyme
Không mấy ai nghĩ rằng, loài sứa biển lại có thể đem tới doanh thu lớn từ việc chiết xuất collagen. Nhưng các nhà khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã biến điều 'không thể' thành 'có thể', bằng công trình 'Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam' do TS. Trần Mạnh Hà làm Chủ nhiệm.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu chiết xuất collagen từ sứa biển bằng công nghệ enzyme hướng nghiên cứu hoàn toàn mới ở nước ta.
Sứa có khá nhiều ở các vùng biển Việt Nam, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định vv…Đây thực sự là một nguồn lợi kinh tế lớn, nhưng lâu nay, sứa biển vẫn chủ yếu chỉ làm thực phẩm và được khai thác, chế biến thủ công thành một số sản phẩm có giá trị kinh tế thấp, chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa, không xứng với tiềm năng. Một số nơi có bán sang Trung Quốc, nhưng các xưởng chế biến sứa chỉ thực hiện khâu sơ chế, nên giá trị kinh tế rất thấp.
Đáng nói, do chưa có sự hiểu biết đầy đủ về chính sản phẩm mà mình làm ra, cũng như thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ, nên cả ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam đều đang chịu thiệt thòi khi việc định giá mua và thị trường tiêu thụ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào người Trung Quốc.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học, sứa biển có cấu tạo hóa học đơn giản từ nước và protein, trong đó 60% protein trong cơ thể sứa là collagen - là tiềm năng để khai thác, chiết xuất collagen. Đó là lý do để các nhà khoa học thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam”.
Theo ông Đặng Tất Thành (Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương) thì Việt Nam có rất ít công trình nghiên cứu về chiết xuất collagen. Hiện mới chỉ có một công ty nghiên cứu và sản xuất thành công collagen từ da cá tra phục vụ xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra công nghệ chiết xuất collagen từ sứa biển sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế từ nguồn lợi này.
TS. Trần Mạnh Hà cho hay collagen từ sứa biển có rất nhiều ưu điểm so với các loài động vật khác. Với sản lượng sứa khai thác hàng năm khá lớn, việc nghiên cứu thành công công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ sứa sẽ có tiềm năng lớn, bên cạnh phục vụ nhu cầu trong nước, còn hướng đến xuất khẩu.
Công trình nghiên cứu của TS. Trần Mạnh Hà và các cộng sự nhằm xây dựng quy trình công nghệ tách chiết collagen từ sứa biển bằng ứng dụng enzyme, có thể thực hiện ở quy mô công nghiệp và là cơ sở để cung cấp nguồn nguyên liệu collagen an toàn cho ngành chế biến thực phẩm, y - dược và mỹ phẩm.
PGS.TS. Nguyễn Văn Quân - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết việc nghiên cứu công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế từ nguồn lợi sứa biển là cần thiết. Việc nghiên cứu xây dựng công nghệ để tách chiết các chất có giá trị cao ứng dụng trong đời sống con người là hướng tiếp cận đầy tiềm năng phát triển.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình tách chiết collagen ở quy mô phòng thí nghiệm. Từ đó, lựa chọn các thành phần để xây dựng công thức sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang.
Với sự phối hợp giữa Viện Tài nguyên và Môi trường biển cùng Công ty CP dược phẩm NOVACO và Công ty TNHH dược – mỹ phẩm Đắc Tín, sản phẩm COLLAJELL đã ra đời, chính thức đăng ký lưu hành. Đây kết quả của việc nghiên cứu gắn với thực tiễn - mục tiêu mà Viện Tài nguyên và Môi trường biển quan tâm. Chính vì gắn liền với nhu cầu thực tế, nên kết quả nghiên cứu đã được thương mại hóa ngay sau khi công trình hoàn thành, để có sản phẩm mới đưa ra thị trường.
Trước đây, đã có một số công trình nghiên cứu chiết xuất collagen, nhưng chủ yếu theo phương pháp hóa học truyền thống, dùng NaOH và HCL nồng độ cao để thủy phân, khử protein và khử khoáng. Công nghệ này có điểm hạn chế khi gây ô nhiễm môi trường. Với công trình nghiên cứu của các nhà khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, việc ứng dụng công nghệ enzyme đã mang đến hiệu suất cao, tăng chất lượng collagen, lại giảm ô nhiễm môi trường. Khi được triển khai trên quy mô lớn, công nghệ này đem lại những giá trị kinh tế không nhỏ cho nhà sản xuất, giá thành sản phẩm lại rẻ, an toàn cho người sử dụng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Quân cho biết thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tối ưu hóa quy trình công nghệ, xây dựng mô hình tách chiết với quy mô 1-2000 kg/mẻ, đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm dạng viên nang.
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Bộ Công Thương cho rằng sản phẩm có tiềm năng phát triển và đây là hướng nghiên cứu hoàn toàn mới tại Việt Nam, góp phần đưa công nghệ sinh học ngày càng ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cho nguồn lợi biển.