Lần đầu tổ chức, Phú Thọ tái hiện gì trong Hội làng Việt cổ?
Hơn 600 nghệ nhân, diễn viên và người dân Phú Thọ sẽ tham gia trình diễn chương trình Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội làng Việt cổ.
Trình diễn nghệ thuật đường phố, tái dựng nhiều hình thức lễ hội làng gắn với tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ… sẽ là điểm nhấn của chương trình.
Chương trình "Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu" và "Hội làng Việt cổ" với chủ đề "Cội nguồn và khát vọng" sẽ được Sở VHTT&DL Phú Thọ, Sở NN&PTNN Phú Thọ, UBND huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ) tổ chức từ ngày 15 đến 17/11 tại huyện Thanh Thủy.
Trưởng Ban tổ chức (BTC), Tổng Giám đốc Công ty CP Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản cho biết: Điểm nhấn độc đáo nhất của chương trình là trình diễn văn hóa dân gian đường phố "Cội nguồn và khát vọng" vào chiều 16/11 trên các tuyến phố chính của thị trấn Thanh Thủy. Các hoạt động trình diễn sẽ diễn ra hơn 1 kilomet, từ khu du lịch Đảo Ngọc Xanh đến UBND huyện Thanh Thủy.
Cùng với trình diễn văn hóa dân gian đường phố là hoạt động trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua trưng bày, khách du lịch có cơ hội để hiểu về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - tín ngưỡng ra đời và tồn tại trên vùng đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng. Đây là một sáng tạo văn hóa độc đáo nhằm ghi nhớ, khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn sâu sắc.
Khu vực trưng bày sẽ diễn ra tại không gian của khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, ông Thản nhấn mạnh: “Đơn vị chúng tôi nhiều năm nay tổ chức nhiều chương trình từ thiện, và từ thiện văn hóa là một khái niệm mới mà chúng tôi muốn hướng tới để thay đổi nhận thức của mọi người, cũng như cách tiếp nhận văn hóa truyền thống.
Chính vì vậy, dù tổ chức nhiều hoạt động trong không gian khu du lịch nhưng giá vé vào đây không thay đổi (150.000 đồng/người). Vé tham quan buổi tối với người lớn là 50 nghìn đồng/người, và với trẻ em 30.000 đồng/người. Giá vé này chỉ để phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự”.
Xuyên suốt 3 ngày hoạt động là "Hội làng Việt cổ". Đây là sự kiện văn hóa dân gian tổng thể, bao gồm nhiều sinh hoạt khác nhau của đời sống xã hội như sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội; các sinh hoạt diễn xướng dân gian (hát, múa, trò chơi, sân khấu…); các cuộc thi tài, vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua bán…
Tại hội làng, hầu hết nhóm mặt hàng đặc sản của tỉnh Phú Thọ sẽ được giới thiệu đầy đủ gồm: Chè xanh, chè đen, nấm, thịt chua, thịt muối, bánh cổ truyền, gà chín cựa, cá sông, cam, bưởi, cây cảnh, mây tre đan…
Một điểm nhấn khác của chương trình là Liên hoan Hát văn "Âm sắc nguồn cội". Theo thống kê của ngành VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, tỉnh có các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng như: Xoan, ghẹo, trống quân, ví ống, trình nghề, đâm đuống, múa tùng dí, múa mỡi, múa chuông... của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Liên hoan "Âm sắc nguồn cội" sẽ trình bày các tiết mục có giá trị từ di sản hát văn, hát xoan, xẩm, ca trù từ Phú Thọ và các tỉnh lân cận sẽ giúp du khách có cái nhìn tổng thể về các loại hình di sản này.