Lần đầu xuất ngoại và 4 lần quá cảnh mới đến được Tây Tạng
Để đến với cao nguyên Tây Tạng, Tuệ Hảo trải qua hành trình bay kéo dài với 4 lần quá cảnh.
Tây Tạng (hay Tibet) là một khu vực cao nguyên tự trị của Trung Quốc, nằm ở độ cao trung bình 4.900m so với mực nước biển. Nếu ở Ả Rập Xê-út có Mecca - một trong số thánh địa quan trọng của người Hồi giáo, Tây Tạng lại là vùng đất linh thiêng, nơi nhiều tín đồ Phật giáo mong muốn đặt chân đến.
Tuệ Hảo (25 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) cũng là một trong số đó. Cuối tháng 12/2023, cô lên đường đến Tây Tạng, mở ra cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Phật Giáo Kim Cương thừa.
Độc hành
Tây Tạng là điểm đến nước ngoài đầu tiên của Tuệ Hảo. Trước đó, kinh nghiệm xuất ngoại của cô bằng 0.
Với hành trình từ Hà Nội đến Tây Tạng, Tuệ Hảo có thể lựa chọn cho mình chặng bay nối chuyến 2 lần tại Công Min và Thành Đô (Trung Quốc). Tuy nhiên, cô lại quyết định đặt chuyến đi quá cảnh 4 lần: một lần tại Bạch Vân (tỉnh Quảng Châu) và 3 lần tiếp lần lượt tại sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải (TP Thượng Hải), sân bay quốc tế Hàm Dương Tây An (tỉnh Thiểm Tây) và sân bay Gonggar Lhasa (Tây Tạng).
Với lộ trình dài hơi như vậy, cô có thể lấy giấy phép thông hành Tây Tạng và gặp một người bạn tại Thượng Hải.
Thông tin từ Chính quyền Trung tâm Tây Tạng (CTA), du khách nước ngoài không được phép tự do ra vào vùng cao nguyên này. Chính vì vậy, nếu chỉ có visa Trung Quốc, du khách cần phải xin thêm giấy phép TTB (Tibet Travel Permit) do Cục Du lịch Tây Tạng cấp.
Ngoài ra, điều kiện để được cấp giấy phép là khách du lịch phải mua landtour (chương trình du lịch trọn gói) của người Tạng.
Sự cố
Chưa có kinh nghiệm du lịch nước ngoài, Tuệ Hảo gặp không ít khó khăn trên hành trình một mình khám phá cao nguyên Tây Tạng.
Đáp sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải lúc 1h, cô sực nhớ mình chưa mua SIM Trung Quốc, vì vậy không thể kết nối mạng. Không liên lạc được với người thân, đặc biệt là người bạn Trung Quốc giúp đặt vé máy bay nội địa, Tuệ Hảo bắt đầu lo lắng.
Nữ du khách loay hoay cả tiếng mới dám mở lời nhờ một cặp đôi người Trung Quốc tại sân bay giúp đỡ, gọi điện thoại cho bạn mình.
"Sân bay rất rộng và tôi không biết chính xác mình đang đứng ở đâu. May mắn, cặp đôi kia rất nhiệt tình, nhờ đồng chí bảo an đọc địa chỉ cho bạn tôi. Khi chia sẻ là người nước ngoài lần đầu du lịch Trung Quốc, tôi nhận được sự giúp đỡ của mọi người", Hảo kể lại.
Sau khi liên lạc với bạn để lấy vé máy bay cũng như giấy phép thông hành Tây Tạng, Tuệ Hảo không thuê khách sạn mà chọn nghỉ ngơi 5 tiếng tại sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải.
"Ở Trung Quốc, sau 2h ít có chuyến bay nội địa nên tôi buộc phải quá cảnh 5 tiếng ở sân bay. Đến Tây Tạng với 4 lần quá cảnh không phải là hành trình tối ưu, nhưng là trải nghiệm đáng nhớ", cô nói.
Khám phá Tây Tạng cùng đoàn du lịch, Tuệ Hảo là người Việt duy nhất. Lịch trình của đoàn khá dày, liên tục di chuyển từ nơi thấp đến nơi cao cách nhau khoảng 100km.
Thể lực Hảo khá yếu, việc đi lại 10 tiếng mỗi ngày với cô là quá sức. Cô phải hít bình dưỡng khí nhiều lần để tránh kiệt sức, khắc phục tình trạng phản ứng cao nguyên (say độ cao).
Theo Hảo, lựa chọn chuyến đi độc hành nhưng cô không cảm thấy cô đơn bởi luôn có được sự hỗ trợ của các thành viên trong đoàn.
Đồng thời, cơn mệt nhọc nhanh chóng biến mất khi cô được đặt chân đến cung điện Potala, chùa Đại Chiêu, tu viện Tashilhunpo cũng như chiêm ngưỡng và đảnh lễ bức tượng từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế.
"Tôi đã hoàn thành ước muốn trong năm của mình", Hảo bày tỏ.
Chuyến ngao du Tây Tạng của Tuệ Hảo kéo dài 7 ngày 6 đêm với tổng chi phí khoảng 46 triệu đồng.