Làn đường dành cho người khiếm thị 'có cũng như không'

Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai xây dựng nhiều vỉa hè có lối đi dành riêng cho người khiếm thị nhằm bảo đảm cho những người kém may mắn được dễ dàng di chuyển trên đường. Thế nhưng, thực tế phần lớn công trình công cộng tại các đô thị vẫn chưa đáp ứng những tiêu chuẩn đã đề ra, thậm chí nhiều tuyến đường còn là 'cái bẫy' dành cho người khiếm thị.

Nhiều làn đường được xây dựng dành riêng cho người khiếm thị nhưng người khiếm thị lại chưa một lần sử dụng đến.

Nhiều làn đường được xây dựng dành riêng cho người khiếm thị nhưng người khiếm thị lại chưa một lần sử dụng đến.

Theo số liệu thống kê, hiện nay có hơn 2 triệu người mù và thị lực kém, chiếm khoảng 2,2% dân số cả nước. Thực tế cho thấy, người khiếm thị đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển, tham gia giao thông… dẫn đến khó hòa nhập với cộng đồng.

Để giúp đỡ người khiếm thị, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều các quy định của pháp luật có liên quan quy định việc phê duyệt, thiết kế, xây dựng công trình xây dựng, chung cư, hạ tầng xã hội… nhằm đảm bảo người khiếm thị được tiếp cận và sử dụng công trình công cộng một cách thuận lợi nhất. Tuy nhiên, nhiều công trình được xây dựng “có cũng như không”, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đi lại của người khiếm thị.

Những tủ điện nằm ngay giữa lối đi dành riêng cho người khiếm thị trên đường.

Những tủ điện nằm ngay giữa lối đi dành riêng cho người khiếm thị trên đường.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia năm về xây dựng các công trình đảm bảo người khuyết tật sử dụng như: Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng; Tiêu chuẩn về nhà và công trình, đường và hè phố, nhà ở đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng…

Đặc biệt, tại Thông tư số 21/2014/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, lại càng tạo điều kiện cho người khiếm thị được hòa nhập và dễ dàng di chuyển.

Theo khảo sát, tại Việt Nam, các công trình công cộng, hạ tầng giao thông chưa thực sự chú trọng đến nhóm người yếu thế trong xã hội. Điển hình là các tuyến phố chưa đồng bộ xây dựng đường dành cho người khiếm thị, trong khi đó, vỉa hè năm nào cũng được đầu tư hàng tỷ đồng để lát lại gạch.

Được biết, gạch lát phải là gạch có gờ nổi, được lát dọc theo hướng người đi, đến chỗ chuyển hướng phải có nút tròn báo chuyển hướng. Khi chuyển hướng cho người đi sang đường phải được dẫn trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường…

Tuy nhiên, một số tuyến đường đã xây dựng nhưng lại chưa đúng kỹ thuật, nhiều đường dẫn không trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường, nhiều đường đã đâm thẳng vào hộp kỹ thuật điện, hoặc chỗ đậu xe ôtô.

Có thể dễ dàng thấy trên tuyến đường Nguyễn Đình Chiều (Hai Bà Trưng), một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố, kéo dài vắt qua 17 năm đã được hoàn thành, thông xe vào đầu năm 2018 vừa qua. Với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, tuyến đường có chiều dài hơn 600m, thế nhưng có tới gần 20 cái tủ điện to, chiếm lối đi dành riêng của người khiếm thị, thậm chí nhiều cửa hàng còn tận dụng làm nơi đỗ xe cho khách và không người khiếm thị nào có thể di chuyển qua đây.

Người dân và các chủ cửa hàng vẫn ngang nhiên lấn chiếm làn đường dành cho người khiếm thị làm nơi đỗ xe.

Người dân và các chủ cửa hàng vẫn ngang nhiên lấn chiếm làn đường dành cho người khiếm thị làm nơi đỗ xe.

Chị Lan - một trong những người khiếm thị bức xúc chia sẻ: “Có lần tôi tự đi theo làn đường dành cho người khiếm thị và không may va phải xe máy do họ để xe trên làn đường của mình và từ đó mỗi lần đi đâu, tôi không dám đi một mình nữa mà phải nhờ người dắt qua, nhiều làn đường xây dựng dành riêng cho chúng tôi nhưng nói thật “có cũng như không” vì có bao giờ chúng tôi sử dụng được đâu”.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Thịnh - chuyên gia về chất lượng công trình xây dựng trao đổi: Quá bất cập, nếu người khiếm thị đi trên vỉa hè sẽ đâm vào ôtô, hoặc xe máy do đơn vị thi công làm cẩu thả, không khớp với hạ tầng. Phải lát gạch ngang chứ không phải lát gạch dọc, đến các đoạn giao cắt không có nốt tròn chuyển hướng báo hiệu cho người khiếm thị.

Không những thế, nhiều làn đường còn có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp vẫn chưa được tu sửa, nếu cứ tiếp tục để tình trạng này thì không khác nào là một cái “bẫy” dành cho người khiếm thị khi không có sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Làn đường bị rạn nứt, gây khó khăn cho người khiếm thị trong quá trình di chuyển.

Làn đường bị rạn nứt, gây khó khăn cho người khiếm thị trong quá trình di chuyển.

Có thể nói, chính sự vô ý của người dân và những thiếu sót trong quá trình thiết kế, thi công của các nhà thầu dẫn đến việc người khiếm thị đang di chuyển trên đường dễ bị va vào ôtô hay xe máy, cột đèn hoặc gốc cây, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao.

Nếu đi đúng làn đường của mình, người khiếm thị sẽ bị va vào xe máy.

Nếu đi đúng làn đường của mình, người khiếm thị sẽ bị va vào xe máy.

Như vậy, để giúp người khiếm thị Hà Nội có được một lối đi dành riêng cho mình và thực sự mang lại hiểu quả sử dụng đối với những công trình đầy nhân văn và ý nghĩa này, hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự góp mặt của các tổ chức người khiếm thị ngay từ khâu thiết kế, thi công thì những công trình sẽ được xây dựng mới phù hợp, khoa học và thiết thực hơn.

Đối với những công trình xây dựng cũ, cần được sửa chữa, cải tạo lại và thiết kế thêm lối đi dành riêng cho người khiếm thị.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền tới người dân về việc không lấn chiếm làn đường dành riêng cho người khiếm thị để đảm bảo cho họ có sự di chuyển an toàn, hòa nhập với xã hội một cách tốt nhất.

Thúy Ngà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/lan-duong-danh-cho-nguoi-khiem-thi-co-cung-nhu-khong-282768.html