'Làn gió mới' cho khát vọng hòa bình Trung Đông

Iran và Saudi Arabia mới đây đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với thiện chí tích cực có thể sẽ tạo ra 'làn gió mới' thổi bùng ngọn lửa khát vọng hòa bình Trung Đông.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian (trái), Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (giữa) và Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud bắt tay nhau trong cuộc gặp ở Trung Quốc, ngày 6/4/2023. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian (trái), Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (giữa) và Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud bắt tay nhau trong cuộc gặp ở Trung Quốc, ngày 6/4/2023. Ảnh: Reuters

Đánh giá về quan hệ Iran - Saudi Arabia, giới quan sát cho hay, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ đạt được vào tháng trước được xem như “trái ngọt” sau hành trình gian nan đàm phán 2 năm. Quan trọng hơn hết, với sự trung gian thúc đẩy của Trung Quốc, hai nước dường như nhanh chóng gặt hái được thành quả đàm phán hơn và cũng cho thấy thiện chí tích cực hàn gắn quan hệ một cách thực chất hơn.

Bình luận về triển vọng hiện thực hóa thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, giới chuyên gia chính trị quốc tế cùng chung nhìn nhận, điều này có thể mở đường cho một xu hướng “hàn gắn” rạn nứt trong nhiều cặp quan hệ khác ở khu vực Trung Đông. Bởi trên thực tế, sau khi công bố về việc hai nước đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ là hàng loạt động thái, sự kiện rất tích cực của chính quyền hai nước trong việc thúc đẩy hiện thực hóa thỏa thuận này. Đáng chú ý nhất là việc Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã nhận lời mời đến thăm Saudi Arabia của Quốc vương Salman trong thời gian tới.

Lý giải về việc Iran và Saudi Arabia hàn gắn quan hệ có ý nghĩa to lớn đối với khu vực nói riêng và địa chính trị thế giới nói chung, giới chuyên gia chỉ ra rằng, lâu nay, hai quốc gia này đều đại diện cho các bên đối địch tại một số khu vực xung đột ở Trung Đông. Dễ thấy nhất là cuộc nội chiến tàn khốc bậc nhất thế giới hiện nay ở Yemen. Theo đó, Iran bị cáo buộc hậu thuẫn cho phiến quân Houthi cát cứ miền Bắc Yemen, trong khi Saudi Arabia dẫn đầu liên quân Arab chống Houthi để bảo vệ Chính phủ Yemen. Kịch bản ganh đua tầm ảnh hưởng tương tự cũng diễn ra trong các cuộc xung đột ở Syria, Lebanon, Iraq...

Đáng chú ý trong đó, đồng minh truyền thống của Saudi Arabia là Mỹ đã hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về việc Iran có tôn trọng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong thỏa thuận này hay không. Dẫu vậy, truyền thông Mỹ dẫn lời các chuyên gia nước này nhận định, Trung Quốc lâu nay luôn kiên định trong việc ủng hộ mạnh mẽ Iran, điều này giúp Saudi Arabia có thể tin tưởng vào khả năng tuân thủ thỏa thuận của Iran.

Mặt khác, dư luận khu vực đặt nhiều băn khoăn về việc lâu nay, Mỹ được xem như một nhà môi giới quyền lực ở Trung Đông. Việc Trung Quốc đưa Iran và Saudi Arabia hàn gắn thành công có thể sẽ làm “căng” thêm thách thức vị thế của Mỹ tại khu vực. Một luồng dư luận cũng nhận định, hơn 1 tháng qua, dù tiến trình bình thường hóa quan hệ Iran - Saudi Arabia liên tục cho thấy những diễn tiến đúng hướng, song vẫn còn quá sớm để đánh giá rằng về khả năng thực chất của nỗ lực tái thiết lập quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Theo khẳng định của giới chức chính quyền Iran, việc hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tăng cường khả năng hợp tác giữa các quốc gia khu vực vịnh Persia và thế giới Hồi giáo để giải quyết những thách thức chung.

Liên quan tới vấn đề này, từ năm 2016, một số quốc gia Vùng Vịnh đã “nối gót” Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, những quốc gia này lại tích cực ủng hộ quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran.

Điển hình nhất là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cử đại sứ tới Iran vào tháng 9/2022 sau 6 năm vắng mặt. Tiếp đó, đầu tháng 4/2023, Iran đã bổ nhiệm đại sứ nước này tại UAE sau 8 năm gián đoạn. Tương tự, Kuwait đã cử đại sứ đầu tiên trở lại Iran kể từ năm 2016; Iran và Bahrain cùng thúc đẩy khả năng nối lại quan hệ hữu nghị…

Đây là một trong số những dấu hiệu cho thấy khả năng Iran sẽ tái thiết lập quan hệ với nhiều quốc gia khác sau Saudi Arabia. Bởi nhu cầu này trongnhững năm qua là cần thiết nhưng bị trở ngại bởi nhiều rào cản chính trị. Việc Saudi Arabia tái thiết lập quan hệ với Iran có thể sẽ tạo ra xu hướng, được xem như “làn gió mới” thổi bùng ngọn lửa khát vọng hòa bình Trung Đông.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-gio-moi-cho-khat-vong-hoa-binh-trung-dong-post460433.html