'Làn gió mới' từ phát triển sản phẩm OCOP

Huyện Lộc Ninh có 17 sản phẩm đã được chứng nhận mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh. Tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển mới sản phẩm, Lộc Ninh đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đạt OCOP, phấn đấu đến cuối năm 2022 có thêm 7 sản phẩm được công nhận.

Theo kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đợt I năm 2022, Lộc Ninh có 8 sản phẩm của 2 chủ thể đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao và 4 sao. Cụ thể, 3 sản phẩm tiêu đen ASTA, tiêu sọ mộc tiệt trùng, tiêu sọ trắng tiệt trùng của Công ty TNHH MTV thương mại Mỹ Lệ, ấp 1, xã Lộc Thiện đạt 4 sao; 5 sản phẩm, gồm: hoa để bàn tỷ muội thăng hoa, ánh ban mai, phúc lộc thọ, hoa bó ánh hồng và hoa hồng ngũ sắc của Hợp tác xã (HTX) Hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh, xã Lộc Thịnh đạt hạng 3 sao.

Chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong ảnh: Sản phẩm OCOP của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ngày càng khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường

Chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong ảnh: Sản phẩm OCOP của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ngày càng khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường

Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, huyện Lộc Ninh đã tổ chức trực tiếp gặp gỡ đối thoại, triển khai thông qua các cuộc họp và lồng ghép trong tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đến các xã, thị trấn, các chủ thể sản xuất. Tổ hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP huyện đã tư vấn, hướng dẫn các chủ thể từng bước hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Huyện cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ dân mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm mới tham gia OCOP. Song song đó, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm OCOP như: tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP...

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai chương trình OCOP, huyện Lộc Ninh có 5 chủ thể với 17 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, 12 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 5 sản phẩm OCOP 3 sao. Điều đáng ghi nhận là sau khi tham gia chương trình, các chủ thể OCOP của huyện Lộc Ninh đều có hướng chung là sản xuất những sản phẩm chất lượng, không ngừng thay đổi tư duy sản xuất, đặc biệt là xây dựng các chuỗi liên kết hàng hóa đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP huyện Lộc Ninh từ nay đến năm 2025, phấn đấu có thêm 21 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, riêng năm 2022 phấn đấu có thêm 7 sản phẩm được công nhận. Huyện đang tập trung cho 5 nhóm sản phẩm, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, may mặc và thủ công mỹ nghệ.

Hiện nay, tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP đã và đang từng bước tiếp tục được huyện định hướng phát triển các sản phẩm mới như: Trà hoa hồng của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang; kẹo hạt điều của Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú; rượu nho rừng của hộ sản xuất, kinh doanh Hoàng Mạnh Hùng; sản phẩm gạo OM 4900 của HTX lúa gạo Lộc Quang; xoài keo của HTX Tân Lộc Thạnh; bưởi da xanh của trang trại Hoàng Dung…

Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ chủ thể sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với sản phẩm tiềm năng, huyện sẽ ưu tiên các sản phẩm chế biến, chế biến sâu và những sản phẩm truyền thống gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó, tập trung hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với chuỗi giá trị.

Chương trình OCOP ở huyện Lộc Ninh đang tạo làn gió mới cho kinh tế nông thôn, nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể, nhất là các HTX, doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, quảng bá, phát triển thị trường. Đồng thời, góp phần quan trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm của người dân.

Thanh Tuyền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/137932/lan-gio-moi-tu-phat-trien-san-pham-ocop