Lặn lội đến thăm cháu ngoại ngày đầy tháng, mẹ tôi phải ngậm ngùi ra về trong nước mắt
Tiễn bố mẹ đẻ ra về trong ấm ức, tôi đã nghĩ đến chuyện ôm con lên thành phố sống trong nhà trọ cùng chồng. Thế nhưng, tôi biết, mọi việc không hề đơn giản…
Tôi lấy chồng xa quê, nhà chồng cách nhà đẻ hơn 200 cây số. Ngày tôi về thông báo đã có thai và muốn chuẩn bị đám cưới, mẹ tôi đã khóc. Bà khóc vì thương tôi phải lấy chồng xa, bản thân ông bà lại hay đau ốm, không thể thường xuyên đến thăm tôi được.
Ngày ấy, tôi vẫn lạc quan động viên mẹ rằng, vợ chồng tôi cưới nhau xong sẽ lên thành phố thuê nhà đi làm, không sống chung cùng nhà chồng nên không bị va chạm mẹ chồng nàng dâu.
Thế nhưng, cuộc sống lại không hề "màu hồng" như tôi nghĩ. Nhất là khi tôi sinh con, quyết định về quê ở cữ với bố mẹ chồng, tôi mới thực sự thấm thía, tại sao lúc tôi cưới, mẹ tôi lại khóc nhiều đến vậy.

Ảnh minh họa.
Hơn 1 tháng trước, tôi sinh con gái đầu lòng ở bệnh viện trên thành phố. Riêng việc này đã khiến bố mẹ chồng tôi không hài lòng. Vì lúc đầu, bà muốn tôi về quê sinh cho gần nhà, tiện đi lại. Tuy nhiên, tôi bị tiểu đường thai kỳ, thai to cần theo dõi nên vẫn muốn sinh ở thành phố cho yên tâm. Chẳng may có vấn đề gì xảy ra, còn dễ bề xử lý.
Quả thực, tôi sinh khó, phải chuyển mổ cấp cứu nên phải ở viện 5 ngày, lâu hơn so với sinh thường. Sau sinh, tôi được nghe kể lại, lúc biết tôi phải mổ, mẹ chồng khó chịu ra mặt. Bà liên tục lẩm bẩm nói ngày trước các bà đẻ 5-7 đứa con nhẹ nhàng như không, đằng này tôi có mỗi việc đẻ cũng làm không được, lại phải mổ xẻ, vừa tốn tiền vừa phải ở viện lâu mệt mỏi.
Sau 5 ngày nằm viện, tôi được đón về quê chồng ở cữ. Mẹ tôi dù thương con gái nhưng cũng chỉ về ở cùng được 1 tuần. Và chuỗi ngày sau đó với tôi thực sự là những ngày khó có thể quên trong suốt thời gian qua.
Tôi mới mổ đẻ, đi lại còn đau nên thường phải khom lưng. Mẹ chồng không thương còn hay chép miệng, lắc đầu chê tôi yếu đuối, mới đẻ một đứa con mà như bà cụ già. Sau không biết làm nên được tích sự gì.
Tôi sinh con mùa hè, oi bức, khó chịu. Vậy mà mẹ chồng không cho bật điều hòa ban đêm. Bà chỉ cho tôi bật một chút lúc buổi trưa nắng gắt. Dù tôi nói, tôi sẽ đóng tiền tiện nhưng mẹ chồng vẫn khăng khăng cho rằng, trẻ nhỏ nằm điều hòa không tốt nên tốt nhất chỉ bật quạt hoặc mở cửa sổ đón gió tự nhiên.
Nhiều đêm con tôi nóng, quấy khóc không ngủ được, tôi lén bật lên cho mát. Mẹ chồng phát hiện liền nhiếc móc tôi không ra gì, nói tôi coi thường lời nói của bà, coi thường sức khỏe của con nhỏ.
Chưa hết, ngày tôi bị sốt do tắc sữa, tôi đau đớn đến phát khóc, phải gọi bên dịch vụ mẹ và bé về xử lý. Khi cơn đau còn chưa nguôi, tôi lại va phải ánh mắt khó chịu của mẹ chồng. Bà nói tắc thì cố chịu đau mà nặn, vắt ra là khỏi. Đằng này lại phải bỏ tiền ra thuê người làm, đúng là "con nhà lính, tính nhà quan".
Tôi ôm con mà tủi thân vô cùng, nước mắt rơi ướt áo. Từ ngày sinh con, tôi chưa nhờ mẹ chồng phải thức đêm hôm nào chăm bé giúp tôi, cũng không để bà phải giặt giũ quá nhiều. Cái nào tôi tự làm được, tôi vẫn cố làm. Nhưng thứ tôi nhận lại chỉ là những lời mắng, những ánh mắt khó chịu và sự lạnh lùng của mẹ chồng.
Đỉnh điểm, ngày đầy tháng con tôi, cả nhà có làm mâm cơm thắp hương. Hôm đó, có cả bố mẹ đẻ tôi lặn lội đường xa xuống thăm cháu. Ông bà cũng tính, sau bữa ăn, sẽ xin đón mẹ con tôi lên ngoại ở cữ tầm 1 tháng.
Thế nhưng, ngay khi mẹ tôi vừa mở lời, mẹ chồng đã lập tức gạt đi. Ban đầu, bà từ chối khéo rằng cháu còn nhỏ, không tiện đi lại xa xôi. Nhưng sau khi thông gia vẫn có ý đón cháu ngoại lên chơi 1 vài tuần, mẹ chồng đã thẳng thừng bày tỏ quan điểm không đồng ý.
Bà nói, mẹ con tôi cũng hết tháng ở cữ rồi, nên ở nhà để có việc gì còn giúp đỡ ông bà. Thậm chí mẹ chồng còn gợi ý, ở địa phương có nghề mây tre đan, tôi có thể nhận về nhà làm, vừa đỡ buồn chân buồn tay vừa có thêm thu nhập để thêm sinh hoạt phí trong gia đình.
Nghe đến đây, tôi thì ấm ức còn mẹ tôi mắt đỏ hoe. Tiễn bố mẹ đẻ ra về trong nước mắt, tôi đã nghĩ đến chuyện ôm con lên thành phố sống trong nhà trọ cùng chồng.
Nhưng dĩ nhiên, để đi được không phải là chuyện đơn giản với mẹ chồng. Nếu tôi cố tình ôm con đi, mọi việc càng trở nên phức tạp, thậm chí ảnh hưởng đến công việc của chồng tôi.
Giờ tôi phải làm thế nào với mẹ chồng đây?