Khó chịu sau khi ăn, bị đầy bụng cảnh giác với sa dạ dày
Sa dạ dày là bệnh mạn tính gây ra các triệu chứng như đầy bụng, đau vùng thượng vị ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, sa dạ dày có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Sa dạ dày là tình trạng di lệch các tạng, đặc biệt là dạ dày, một bệnh hiếm gặp. Phần đỉnh dạ dày vẫn bình thường, nhưng đáy lại thấp hơn vị trí thông thường.
Nguyên nhân gây ra bệnh sa dạ dày
Sa dạ dày có thể do nhiều yếu tố, thường gặp ở người bị viêm loét dạ dày - tá tràng, ít vận động, phụ nữ sinh nở nhiều,…Một số nguyên nhân cụ thể bao gồm:
Viêm loét dạ dày, hành tá tràng gây hẹp môn vị.Cơ thể suy nhược, gầy yếu: Lúc này, các cơ và gân vùng bụng trở nên lỏng lẻo, có thể thiếu mỡ ở thành bụng, làm giảm áp suất trong bụng, gây nên tình trạng sa dạ dày.
Giảm cân quá nhanh: Đặc biệt ở phụ nữ sau sinh nhiều lần hoặc người có bụng dài và hẹp, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Nhiễm vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori): Đây cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh lý sa dạ dày.
Chế độ ăn uống không điều độ: Ăn quá no, vận động quá mạnh sau khi ăn, hoặc có tiền sử đau dạ dày làm giảm trương lực và suy giảm chức năng dạ dày, từ đó dẫn đến sa dạ dày.
Triệu chứng của bệnh sa dạ dày
Triệu chứng sa dạ dày thường khó nhận biết, có thể biến chứng thành xuất huyết hoặc ung thư. Triệu chứng thường gặp:
Khó chịu sau khi ăn, đầy bụng, cảm giác dạ dày bị trễ xuống hoặc như có vật đè ép.
Trong dạ dày thường có tiếng động của nước, nhưng khi nằm ngửa lại không nghe thấy.
Hay ợ hơi, miệng có mùi hôi.
Chán ăn, thiếu dinh dưỡng, sụt cân, sắc mặt xám xịt, miệng đắng, lưỡi khô, tinh thần uể oải, dễ mệt mỏi và sợ lạnh.
Nhức đầu, mất ngủ, căng thẳng kéo dài.

Nhiều người bị đầy hơi, chướng bụng, phiền toái cho sức khỏe, giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày cần phải thăm khám. Ảnh minh họa
Những biến chứng của bệnh sa dạ dày
Ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa: Người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu dưỡng chất, dẫn đến suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe và miễn dịch.
Xuất huyết dạ dày: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Có thể nhận biết qua hiện tượng nôn ra máu (màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, có thể đông cục) hoặc đi ngoài phân đen, có mùi hôi khó chịu. Những biến chứng này có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa sa dạ dày
Để phòng ngừa bệnh lý sa dạ dày, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt: Ăn uống điều độ, tránh làm việc nặng ngay sau khi ăn. Hạn chế ăn thức ăn lạnh, đồ chua, cay, thức ăn nhiều dầu mỡ gây đầy bụng, khó tiêu. Nên nhai kỹ khi ăn để dạ dày co bóp và tiêu hóa dễ dàng hơn. Chế độ vận động, luyện tập hợp lý.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Có thể dùng các loại thuốc giảm acid, chống co thắt cơ trơn, kích thích hoạt động của dạ dày hoặc kháng sinh để diệt vi khuẩn Hp nếu có nhiễm.
Thực hiện phẫu thuật nếu cần thiết: Trong trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật để cố định lại vị trí của dạ dày hoặc cắt bỏ phần bị tổn thương.
Tóm lại: Bệnh lý sa dạ dày là một chứng bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, người bệnh cần chú ý phòng ngừa và điều trị kịp thời để tránh những hậu quả xấu.