Lán Nà Nưa - Nơi khắc ghi dấu ấn lịch sử và niềm tự hào cho thế hệ trẻ hôm nay

Giữa những ngày mùa Thu lịch sử, chúng tôi - thế hệ trẻ được sinh ra trong thời bình - có dịp ghé thăm Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

79 năm đã trôi qua từ những ngày sục sôi không khí tổng khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Tân Trào giờ đây đã chứng kiến những đổi thay lớn. Những con đường làng và ngõ xóm được mở rộng, lát gạch sạch sẽ. Hai bên đường, hoa lá đua nhau khoe sắc, và những ngôi nhà sàn truyền thống đứng yên giữa Thủ đô kháng chiến, đón nhận dòng người từ mọi miền đến thăm.

 Căn lán Nà Nưa đơn sơ nằm ở dưới chân dãy núi Hồng, Bác Hồ đã sống những ngày tháng gian khổ để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước

Căn lán Nà Nưa đơn sơ nằm ở dưới chân dãy núi Hồng, Bác Hồ đã sống những ngày tháng gian khổ để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước

Trở về Tân Trào, chúng tôi không thể không ghé thăm lán Nà Nưa - nơi đã in sâu dấu ấn lịch sử trong lòng mỗi người. Lán Nà Nưa, tọa lạc tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, là một phần quan trọng của quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Sau khi băng qua cây cầu nhỏ và con suối trong mát, chúng tôi tiếp tục dạo bước trên con đường bê tông rợp bóng cây, vượt qua 79 bậc tam cấp để đến với lán Nà Nưa. Lán này được dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người miền núi, ẩn mình dưới tán rừng ở chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía đông. Địa điểm này đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà Bác Hồ đề ra: “Gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái.”

Lán được chia thành hai gian nhỏ, với gian ngoài là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách, còn gian trong là chỗ nghỉ ngơi. Vách nứa xung quanh được đan kín, nửa trên để chừa các ô thoáng lấy sáng tự nhiên. Ở chái phía Tây có một sàn nhỏ để đặt hai ống bương đựng nước. Phía dưới đầu sàn là phiến đá phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi đêm xuống.

Theo lời kể của hướng dẫn viên, vào đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng trên toàn quốc. Trong ba tháng làm việc tại đây, Bác đã ban hành nhiều chỉ thị và mệnh lệnh quan trọng như Thư kêu gọi khởi nghĩa, Lệnh khởi nghĩa, và quyết định thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, và Thái Nguyên; thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng.

 Lán Nà Nưa nằm dưới chân núi Hồng và đang là địa chỉ đỏ để mỗi thế hệ mai sau nhớ về Bác.

Lán Nà Nưa nằm dưới chân núi Hồng và đang là địa chỉ đỏ để mỗi thế hệ mai sau nhớ về Bác.

Cuối tháng 7/1945, tại lán Nà Nưa, Bác Hồ lâm bệnh nặng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người gần gũi với Bác trong suốt thời gian này, kể lại rằng, vào một buổi chiều cuối tháng 7, khi đến thăm, ông thấy Bác không ngồi làm việc bên ngoài lán như thường lệ mà dựa lưng vào tường. Nhận thấy tình hình sức khỏe của Bác không tốt, Đại tướng đã xin phép ở lại lán qua đêm để chăm sóc. Đến nửa đêm, khi cơn sốt tăng cao, Bác Hồ đã gọi Đại tướng lại và nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.” Lời nói ấy không chỉ thể hiện sự quyết tâm của Bác mà còn truyền lửa cho cả dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Sau khi nhận thấy tình hình của Bác trở nên nghiêm trọng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức viết thư hỏa tốc báo cáo lên các lãnh đạo ở Hà Nội, rồi tìm thầy lang ở làng Kim Long để bốc thuốc chữa bệnh cho Bác. Sau một tuần điều trị, Bác Hồ đã dần hồi phục.

Lán Nà Nưa không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn ghi lại những sự kiện quyết định cho dân tộc. Ngày 4/6/1945, Bác Hồ triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Dưới sự lãnh đạo của Bác và Trung ương Đảng, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, đánh bại quân phát xít và chế độ thực dân phong kiến. Ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời lán Nà Nưa để về Hà Nội, chuẩn bị cho ngày 2/9/1945, khi Người tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới tại Quảng trường Ba Đình: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."

 Đối với thế hệ trẻ hôm nay, di tích này như một ngọn đuốc sáng, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu mà cha ông đã để lại.

Đối với thế hệ trẻ hôm nay, di tích này như một ngọn đuốc sáng, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu mà cha ông đã để lại.

Là người con của quê hương Tuyên Quang, từng có nhiều dịp về thăm Lán Nà Nưa, bạn Quang Linh xúc động nói: "Mỗi khi đặt chân đến vùng đất này, tôi lại cảm thấy bồi hồi và tự nhủ phải sống, phấn đấu và làm việc theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh."

Cảm xúc nghẹn ngào khi nhìn lại nơi ở đơn sơ của Bác tại "Thủ đô gió ngàn," bạn Nguyễn Thúy Hằng (Đắk Lắk) chia sẻ: "Mỗi di tích lịch sử trong khu di tích đều khắc ghi chặng đường cách mạng hào hùng của dân tộc. Đó là nơi để thế hệ trẻ chúng em tìm về nguồn cội, học hỏi những bài học về lòng yêu nước và nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương."

Lán Nà Nưa không chỉ lưu giữ những quyết định lịch sử mà còn là biểu tượng của ý chí kiên cường và tinh thần độc lập. Đối với thế hệ trẻ hôm nay, di tích này như ngọn đuốc sáng, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu mà cha ông đã để lại.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lan-na-nua--noi-khac-ghi-dau-an-lich-su-va-niem-tu-hao-cho-the-he-tre-hom-nay-post310111.html