Lẩn quẩn cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt

Đến nay, ngành đường sắt vẫn chưa được giao vốn bảo trì tài sản, kết cấu hạ tầng đường sắt của năm 2021. Câu chuyện này lặp lại như cách đây hơn 1 năm.

Hồi tháng 2-2020, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), từng gây chấn động dư luận khi thông báo có thể phải tạm dừng chạy tàu trên toàn quốc vì không có tiền trả lương cho nhân viên tuần đường, gác chắn...

Theo thông lệ, trước ngày 31-12 hàng năm, Bộ GTVT sẽ giao dự toán ngân sách bảo trì để đảm bảo hoạt động đường sắt. Trên cơ sở đó, Tổng công ty ĐSVN sẽ ký hợp đồng công ích với 20 công ty trực thuộc để duy tu, bảo dưỡng, vận hành 1.519 đường ngang và 3.059km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, do Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước quy định, cơ quan nhận được ngân sách phải giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc nhưng từ tháng 10-2018, Tổng công ty ĐSVN đã không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mặc dù Nghị quyết 87/2019/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương có nêu tiếp tục cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt cho Bộ GTVT, nhưng lại chưa làm rõ giao cho đối tượng nào nên việc giao vốn vẫn ách tắc.

Trong khi đó, Luật Đường sắt lại giao Tổng công ty ĐSVN quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng sắt, đảm bảo giao thông đường sắt an toàn, thông suốt. Đường sắt quốc gia không thể dừng chạy, do đó, trong thời gian chờ đợi tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao vốn năm 2020 cho Tổng công ty ĐSVN để triển khai thực hiện để duy trì hoạt động đường sắt.

Một năm đã trôi qua, mọi vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ và những khó khăn đang lặp lại. Điều đó đồng nghĩa với việc, công tác đảm bảo an toàn hệ thống đường sắt lại có nguy cơ bị ảnh hưởng; 11.000 lao động trong ngành đường sắt lại lo không được trả lương kịp thời. Hiện Bộ GTVT, Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN đều đang ở thế khó khi để được việc thì lại phạm luật, làm đúng luật thì lại vênh nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tháo gỡ nhanh nhất khó khăn cho ngành đường sắt thì phải giao dự toán ngân sách cho Tổng công ty ĐSVN như năm 2020, mà như vậy, cả Quốc hội và Chính phủ đều phải ban hành nghị quyết về việc này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể để mỗi năm lại vật vã tìm cách giải quyết.

Về lâu dài, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan phải xây dựng được cơ chế giao vốn bảo trì hạ tầng đường sắt hàng năm phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật.

Trong trường hợp các quy định của pháp luật vênh nhau thì phải sửa luật cho đồng bộ, thống nhất, không để vì vướng luật mà ảnh hưởng đến an toàn đường sắt, đời sống của hàng ngàn lao động trong ngành.

Hơn nữa, đừng để câu chuyện cơ chế mãi là cái cớ cho ngành đường sắt biện minh cho việc thua lỗ triền miên, phải trông chờ vào nguồn vốn cấp từ Nhà nước để duy trì hoạt động.

MINH DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lan-quan-co-che-giao-von-bao-tri-duong-sat-726050.html