Lằn ranh đạo đức trong lễ hội đua ngựa tại Nhật Bản

Lễ hội đua ngựa Ageuma Shinji tại Nhật Bản vấp phải nhiều tranh cãi liên quan việc bảo đảm tính mạng và sức khỏe của những chú ngựa.

Người dân đang cố gắng cưỡi ngựa leo qua một con dốc tại lễ hội Ageuma Shinji. (Nguồn: X)

Người dân đang cố gắng cưỡi ngựa leo qua một con dốc tại lễ hội Ageuma Shinji. (Nguồn: X)

Lễ hội đua ngựa Ageuma Shinji diễn ra vào ngày 4-5/5 hàng năm tại Đền Tado, tỉnh Mie (Nhật Bản), thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Lễ hội là di sản văn hóa lâu đời của xứ sở hoa anh đào, nhằm tôn vinh tinh thần cộng đồng và lòng quả cảm, cũng như sự gắn kết giữa con người với tín ngưỡng và thiên nhiên.

Trải qua 700 năm, Ageuma Shinji vẫn duy trì được sức hút và trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Khi lễ hội bắt đầu, tiếng trống dồn dập vang lên, những chú ngựa phải phi lên một con dốc dài 100m, trước khi trèo qua bức tường cao 2m dẫn thẳng tới Đền Tado. Cuộc đua không chỉ thể hiện sự gan dạ của người tham gia mà còn tượng trưng cho tinh thần vượt khó của người dân Nhật Bản, hướng tới một tương lai tốt đẹp, phồn vinh.

Tuy nhiên, hiện nay Ageuma Shinji lại vướng vào cuộc tranh cãi không hồi kết giữa những người muốn lưu giữ giá trị truyền thống và những nhà hoạt động vì quyền động vật.

Nhiều nhà hoạt động từ lâu chỉ trích lễ hội khi những con ngựa tham gia có thể gặp chấn thương nghiêm trọng, thậm chí là mất mạng.

Gần đây, cảnh sát tỉnh Mie đã chấp nhận các đơn khởi kiện về hành vi ngược đãi động vật. Tuy nhiên, các công tố viên có thể bác bỏ những đơn kiện này.

Ông Ren Yabuki, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Life Investigation Agency (LIA), bày tỏ lo lắng vì công tố viên thường không trực tiếp giải quyết những vụ việc như vậy, bất chấp sức ép từ truyền thông.

Vào tháng 3/2024, LIA khởi kiện 11 người có liên quan tới việc ngược đãi ngựa tại lễ hội. Các đoạn phim cho thấy người tham gia dùng gậy, dây thừng quật vào ngựa để khiến chúng tăng tốc.

Sau khi một con ngựa thiệt mạng ở lễ hội năm 2023, tỉnh Mie quyết định loại bỏ bức tường dẫn tới ngôi đền trong khi vẫn giữ lại đoạn đường dốc 100m.

Tuy vậy, ông Yabuki cho rằng hành vi ngược đãi vẫn diễn ra trong âm thầm, khẳng định đã gửi bằng chứng về những hành vi này tới cảnh sát.

“Sau lễ hội, ngựa con trở về chuồng để tham gia chặng đua năm tới, còn những con lớn tuổi hơn phải tới lò mổ. Đây là một mặt tối của lễ hội mà nhiều người không hề hay biết. Một phần của thịt ngựa được chế biến thành sashimi, phần còn lại làm thức ăn cho thú cưng”, ông Yabuki cho biết thêm.

Cũng như ông Yabuki, bà Keiko Yamazaki, thành viên hội đồng quản trị của Liên minh phúc lợi động vật Nhật Bản liên tục đặt vấn đề với phía cảnh sát trong hơn 20 năm qua nhưng luôn bị các công tố viên ngó lơ.

“Chúng tôi không biết tại sao họ lại từ chối các cáo buộc”, bà Yamazaki cho biết.

Tronmg lịch sử, mục đích ban đầu của lễ hội chỉ là cuộc diễu hành của những chú ngựa qua các khu phố. Người dân mặc trang phục sặc sỡ, cưỡi ngựa tới ngôi đền Tado hơn 1200 tuổi để bày tỏ sự kính trọng và cầu một mùa vụ bội thu.

Từ năm 2004, chính quyền thành phố Kuwana nhận được nhiều khiếu nại về tình trạng ngược đãi ngựa, nhưng không có thẩm quyền đối với hoạt động của đền Tado.

Tuy nhiên, ban quản lý đền Tado bác bỏ cáo buộc này và cho rằng, mọi chú ngựa đều được đối xử “đúng mực”, phù hợp với luật bảo vệ động vật.

Ông Yabuki và nhiều nhà hoạt động khác vẫn tỏ ra cứng rắn, đề nghị chấm dứt lễ hội, đồng thời khẳng định những tổ chức phi chính phủ như LIA sẽ tiếp tục hối thúc giới chức hành động để chấm dứt tình trạng này.

(theo South China Morning Post)

Anh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/la-n-ranh-dao-duc-trong-le-hoi-dua-ngua-tai-nhat-ba-n-289121.html