Lấn sân bất động sản, thực lực của Tập đoàn Tân Á Đại Thành đến đâu?
Sau thành công trong sản xuất bồn inox, bình nước nóng, Tập đoàn Tân Á Đại Thành bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với thương hiệu MeyLand.
Nhiều doanh nghiệp hay tập đoàn lớn tại Việt Nam khi đã tìm được thành công nhất định trong một lĩnh vực cốt lõi nào đó đều có xu hướng lấn sân sang thị trường bất động sản. Trong đó, Tập đoàn Tân Á Đại Thành của nữ Chủ tịch sinh năm 1964 – Nguyễn Thị Mai Phương – cũng không phải là một ngoại lệ.
Chân dung Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương (Nguồn: Tập đoàn Tân Á Đại Thành)
Thành lập từ năm 1993 và được điều hành bởi đại gia đình có 3 thế hệ là doanh nhân, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã trở thành doanh nghiệp sản xuất và cung cấp bộ giải pháp tổng thể về nguồn nước hàng đầu Việt Nam.
Theo giới thiệu, năm 2007, Tập đoàn Tân Á Đại Thành chính thức ra đời với việc sát nhập 3 công ty gồm: Công ty TNHH sản xuất và Thương Mại Tân Á; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Đại Thành và Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Á Đông.
Tập đoàn hiện đang sở hữu hệ thống 19 công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào, với hệ sinh thái gồm 9 dòng sản phẩm. Trong đó, bồn inox - bồn nhựa, bình nước nóng và máy nước nóng năng lượng mặt trời đang chiếm thị phần số 1 Việt Nam.
Một số công ty đáng chú ý khác trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Tân Á Đại Thành có thể kể đến như: Công ty TNHH Sản Xuất và Thương mại Tân Á Hưng Yên (Tân Á Hưng Yên), CTCP Nhựa Stroman (Nhựa Stroman),…
"Hệ sinh thái" thiết bị ngành nước
Tân Á Hưng Yên là đơn vị sở hữu Nhà máy Tân Á Đại Thành Hưng Yên - nhà máy lớn nhất của tập đoàn với quy mô 10 ha, được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Cập nhật tới ngày 13/7/2020, Tân Á Hưng Yên mới nâng vốn điều lệ lên mức 300 tỷ đồng. Công ty này là một trong những "mắt xích" quan trọng, tạo ra nguồn doanh thu lớn cho Tân Á Đại Thành mỗi năm.
Cụ thể, trong 4 năm trở lại đây, Tân Á Hưng Yên đều có doanh thu đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên lần lượt đạt 1.604 tỷ đồng và 2.184 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên đạt 2.975 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tân Á Hưng Yên đạt 1.337 tỷ đồng, tăng khoảng 45 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ 210,7 tỷ đồng xuống mức 204,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn Tân Á Đại Thành còn cho ra đời sản phẩm ống nhựa thương hiệu Stroman với công ty thành viên là CTCP Nhựa Stroman (Nhựa Stroman). Sản phẩm này góp phần hoàn thiện "giải pháp tổng thể về nguồn nước" mà Tân Á Đại Thành đang theo đuổi.
Từ khi thành lập (tháng 7/2017) đến nay, Nhựa Stroman có kết quả kinh doanh chưa thực sự tốt khi mới chỉ báo lãi vào năm 2019. Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Nhựa Stroman đạt 101,38 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước; lãi thuần ở mức 0,2 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ thuần 0,58 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Stroman đạt 379 tỷ đồng, giảm 5,6% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 197,2 tỷ đồng.
Với mục đích phát triển tập đoàn lớn mạnh, năm 2019, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã tái cấu trúc sáp nhập, cùng với đó nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương cũng góp vốn thành lập loạt pháp nhân mới như: CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, CTCP Kim khí và Gia dụng Tân Á Đại Thành (chủ sở hữu Tân Á Hưng Yên), ...
Trong đó, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập vào tháng 2/2019, với vốn điều lệ ban đầu 510 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Minh Ngọc (nắm giữ 30% VĐL), bà Nguyễn Thị Mai Phương (nắm giữ 50% VĐL) và ông Nguyễn Anh Tuấn (nắm giữ 20% VĐL).
Đến cuối tháng 1/2020, công ty này nâng vốn điều lệ lên 1.657,2 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Nguyễn Duy Chính (SN 1985) đảm nhiệm. Ông Chính là con trai của nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương.
Tham vọng địa ốc của Tân Á Đại Thành
Tập đoàn Tân Á Đại Thành bắt đầu triển khai mở rộng sang lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản bằng việc thành lập CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (BĐS Tân Á Đại Thành) với thương hiệu chính thức MeyLand.
Công ty này được thành lập vào ngày 3/4/2019, với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Mai Phương (nắm giữ 45% VĐL), ông Nguyễn Minh Ngọc (nắm giữ 27% VĐL), ông Nguyễn Anh Tuấn (nắm giữ 18% VĐL) và bà Nguyễn Phương Anh (nắm giữ 10% VĐL).
Ngày 24/9 vừa qua, BĐS Tân Á Đại Thành đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).
Theo đó, MBBank sẽ đứng ra hỗ trợ tài chính cho các khách hàng của dự án Meyhomes Capital Phú Quốc trong việc: mua/chuyển nhượng/góp vốn/thuê căn hộ, nhà, đất tại các dự án do BĐS Tân Á Đại Thành đầu tư phát triển.
Mặt bằng tổng thể toàn khu Meyhomes Capital Phú Quốc (Nguồn: MeyLand)
Meyhomes Capital Phú Quốc là dự án đầu tay của BĐS Tân Á Đại Thành. Dự án này được đầu tư xây dựng tại thị trấn An Thới, Phú Quốc với quy mô 56,09 ha, gồm 1.435 căn hộ (1.305 căn Shop house và Mini Hotel, 130 căn Villa).
Hiện nay, BĐS Tân Á Đại Thành đang sở hữu quỹ đất hơn 1.000 ha với 27 dự án tại Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, Nghệ An và nhiều tỉnh thành phố khác, cùng với định hướng đầu tư phát triển 3 dòng sản phẩm chính là BĐS đô thị và nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng và BĐS công nghiệp.
Do đang trong quá trình đầu tư và phát triển dự án, BĐS Tân Á Đại Thành vẫn chưa phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ thuần 1,4 tỷ đồng năm 2019. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty này đạt 915,18 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 498,57 tỷ đồng./.