Lấn sân sang bất động sản, cần ghi nhớ bài học Mai Linh
Dù đang chững lại, nhưng bất động sản vẫn là lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có không ít doanh nghiệp ngoài ngành nhảy vào cuộc đua điền địa.
Ảnh: Shutterstock
Bất động sản đón "tân binh" khủng
Trong khoảng thời gian từ ngày 18 - 24/4/2019, có 10 công ty bất động sản được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng liên quan đến Tân Hiệp Phát, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực đồ uống. Đến ngày 14/5/2019, thêm Công ty cổ phần Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lên tới 3.830 tỷ đồng và cũng liên quan đến tập đoàn này.
Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 tháng, Tân Hiệp Phát đã thành lập 11 công ty con trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn điều lệ lên tới 18.830 tỷ đồng. Trong khi dồn lượng vốn lớn cho mảng bất động sản, thì công ty chủ chốt mảng đồ uống của tập đoàn là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát lại được giảm vốn điều lệ từ 276 tỷ đồng xuống 176 tỷ đồng kể từ ngày 22/5/2019.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản của gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã xuất hiện từ đầu năm 2018, đánh dấu bằng việc ông Trần Quí Thanh trở thành thành viên trong Ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM.
Trả lời câu hỏi tham vọng của Tân Hiệp Phát với mảng bất động sản, ông Thanh khẳng định, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Theo ông Thanh, bất động sản là một ngành khá thú vị nhưng không phải tại nó đang lên mà Tân Hiệp Phát tham gia. Tân Hiệp Phát quan tâm tới bất động sản vì tất cả mọi người, mọi lĩnh vực đều có mối liên quan đến địa ốc. Đây là một ngành rất tiềm năng, nhất là trong giai đoạn đất nước đang phát triển, nhu cầu mở rộng thành phố, mở rộng kinh doanh rất lớn.
Tương tự Tân Hiệp Phát, sau những thành công trong mảng công nghiệp ô tô, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) đẩy mạnh sang lĩnh vực bất động sản. Theo đó, mới đây, Công ty TNHH TCG Land, thành viên của Thành Công Group đã thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư PV - Inconess (RGC – UPCoM), doanh nghiệp nắm trong tay quỹ đất lên tới gần 3.000 ha tại Ninh Bình. Trước khi về tay Thành Công Group, VietinBank Capital nắm giữ tới 93,6% cổ phần của RGC.
RGC là doanh nghiệp sân golf đầu tiên lên sàn chứng khoán, nhưng hoạt động thua lỗ triền miên trong nhiều năm. Với việc thâu tóm RGC, Thành Công Group sở hữu luôn 2 dự án rất lớn ở Ninh Bình là Tổ hợp du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670 ha và Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185 ha.
Thương vụ thâu tóm RGC được xem là mảnh ghép bổ sung cho mảng kinh doanh bất động sản của tập đoàn vốn nổi tiếng trong lĩnh vực ô tô tại Việt Nam này. Ngoài RGC, Thành Công Group còn có một số công ty con khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Công ty cổ phần Thành Công E&C, Công ty cổ phần Xây dựng Thành Công số 3, Công ty cổ phần Du lịch Thương mại Cổ Loa.
Một doanh nghiệp tên tuổi khác trong lĩnh vực du lịch trực tuyến (OTA - Online travel agency) là Công ty cổ phần Đầu tư HG (HG Holdings) của doanh nhân Ngô Minh Đức cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, ngày 22/8/2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2683/QĐ-UBND về việc cho HG Holdings thuê đất và giao đất để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Cồn Ba Xã và xây dựng kè bảo vệ sông tại xã Cẩm Thanh và phường Cẩm Châu, TP. Hội An với tổng diện tích là 51.921,4 m2 (diện tích cho thuê đất trả tiền hàng năm là 35.830 m2). Thời gian thuê đến 12/9/2066; thời gian giao đất đến khi xây dựng xong kè bảo vệ sông, chủ đầu tư phải bàn giao cho địa phương quản lý.
Trước đó, vào năm 2016, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Mật độ xây dựng gộp là 23,25%, các công trình xây dựng cao tối đa 2 tầng. Khu nghỉ dưỡng Cồn Ba Xã phân thành 2 khu chức năng chính, bao gồm: Khu vực đất liền (nhà bảo vệ, bãi đỗ xe, khu đón tiếp, không gian sinh hoạt cộng đồng, văn phòng quản lý và phụ trợ, khu kỹ thuật và các hạng mục giao thông, cây xanh cảnh quan); Khu vực cồn (hạng mục nhà hàng, khu vui chơi, ăn uống, spa và 60 căn biệt thự du lịch hướng ra sông).
Mừng hay lo?
Dù có sự chững lại trong gần 2 năm qua, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền tảng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tương đối tốt. Trong đó, lạm phát duy trì ở mức thấp, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định... là những yếu tố hỗ trợ thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản gắn liền với sự phát triển chung của nền kinh tế. Trong nửa đầu năm 2019, kinh tế trong nước vẫn giữ được sự phát triển ổn định, tiếp tục đà tăng trưởng. Đặc biệt, hai chỉ số quan trọng ảnh hưởng tới thị trường bất động sản là giải ngân vốn FDI và mức độ tiêu dùng của người dân vẫn giữ mức cao so với các quốc gia trong khu vực.
"Đó cũng là lý do các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tham gia vào thị trường bất động sản", ông Nam nói và cho biết, so với thời điểm cách đây chục năm, thị trường hiện nay khác biệt hơn. Sức mua của người dân vẫn rất mạnh, tiền trong dân rất nhiều, nhưng không có nhiều sản phẩm bất động sản tốt được mở bán.
Theo ông Nam, Việt Nam đang ở mức thu nhập bình quân đầu người hơn 2.500 USD, bắt đầu vượt nhóm các nước có thu nhập thấp. Tâm lý của người dân có tiền là dành để mua nhà đất. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, không lo sợ thị trường vỡ bong bóng, cung vượt cầu, mà vấn đề lớn nhất là phát triển ổn định, bền vững và cung ứng được nguồn hàng mới ra thị trường.
Đồng quan điểm, theo đánh giá của GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp ngoài ngành vào lĩnh vực bất động sản là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản. Những nhân tố mới với tầm nhìn, nguồn lực và hướng đi mới hứa hẹn sẽ đưa thị trường vào giai đoạn phát triển mới, giải quyết được phần nào nhu cầu về nhà ở, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân cả nước và du khách nước ngoài.
Điều này cũng được xem là tín hiệu đáng mừng cho các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, tài chính… Đặc biệt, các dự án lớn được triển khai tại nhiều địa phương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, góp phần giải quyết nguồn lao động tại địa phương. Điều này đem lại nhiều cơ hội cho chính các doanh nghiệp "ngoại đạo" này khi mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, cũng như đem lại cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác.
Ở một góc nhìn khác, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Soho Vietnam - đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án cho biết, theo quy luật khách quan, trong sự vận động của nền kinh tế sẽ có cái mất đi và có cái sẽ được bổ sung mới. Theo đó, các đơn vị có thể đang ở một lĩnh vực khác tham gia vào đầu tư bất động sản sẽ bổ sung cho thị trường một lực lượng đông hơn, nhiều sản phẩm hơn và cũng đóng góp phần nào đó vào sự phát triển của thị trường. Đó là tín hiệu tích cực, không phải là biểu hiện tiêu cực, hay là một hoạt động cần phải hạn chế.
Tuy nhiên, theo ông Cần, lĩnh vực bất động sản không phải dành cho tất cả các nhà đầu tư. Đối với những doanh nghiệp mới, nên hết sức thận trọng trong việc lựa chọn dự án để rót tiền. Bài học “thua làm giặc” được thị trường nhắc đến nhiều hơn cả là Tập đoàn Mai Linh. Vốn là doanh nghiệp vận tải lớn nhất cả nước và tham vọng vươn đến vị trí số 1 tại thị trường Đông Nam Á, nhưng sau khi lấn sân vào thị trường bất động sản, Mai Linh đã phải trả một cái giá rất đắt cho cuộc phiêu lưu của mình. Tập đoàn này đã phải bán đi khá nhiều tài sản để trả nợ.
Đến nay, câu chuyện đầu tư bất động sản của Mai Linh vẫn là bài học còn nguyên giá trị với bất kỳ nhà đầu tư ngoại đạo nào tham gia vào lĩnh vực địa ốc.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Việt Trang
Đang “quyết đấu” Uber, Grab, “ông chủ” Mai Linh bất ngờ… chạy xe ôm
Mai Linh Miền Bắc chuẩn bị hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM
Ví Việt tặng thưởng khách hàng khi thanh toán cước Taxi Mai Linh qua mã QR