'Làn sóng cà phê thứ ba' bùng nổ ở quốc đảo lớn nhất thế giới
Sự dịch chuyển thị hiếu của giới trẻ Indonesia - quốc đảo lớn nhất thế giới - góp phần tạo nên văn hóa cà phê đặc sản.
Trong một lần ghé thăm quán cà phê ở Jakarta (Indonesia) gần đây, Nana Shibata - cây viết của Nikkei Asia - đã gọi ly cà phê đá, được gọi là kopi trong tiếng Indonesia.
Cưỡng lại cảm giác muốn nuốt thật nhanh, cô ngậm thứ chất lỏng màu đen trong miệng một lúc. Dần dần, cô nhận thấy hương vị cam quýt, hoa nhài và hoa hồng - hương vị cà phê thể hiện sự phức tạp về văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc và địa lý của Indonesia.
"Đất lành" cho làn sóng cà phê thứ ba
Với hơn 18.000 hòn đảo và khoảng 1.300 dân tộc, Indonesia là quốc đảo lớn nhất thế giới. Từ Sumatra ở phía tây đến Papua ở phía đông, hầu như mọi nơi trên đất nước đều có cà phê đặc sản.
Theo Statista - công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Đức - việc trồng cà phê, bắt nguồn từ quá khứ thuộc địa Hà Lan của Indonesia, đã mở rộng đáng kể kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1945, đưa Indonesia trở thành quốc gia có diện tích đất sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Vào tháng 12/2023, Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Indonesia sẽ là nước sản xuất cà phê lớn thứ tư thế giới vào năm 2023-2024 sau Brazil, Việt Nam và Colombia.
Cho đến gần đây, văn hóa cà phê đặc sản vẫn là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người Indonesia. Nhưng điều đó đang thay đổi do sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng trẻ và sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng quán cà phê đặc sản do các doanh nhân đã sống hoặc du lịch ở phương Tây.
Khi các chủ quán cà phê và cả những người uống cà phê tự pha ở nhà nêu danh các loại cà phê theo các vùng gieo trồng, người tiêu dùng Indonesia bắt đầu nhận ra rằng cà phê của họ là điều đáng tự hào.
Hầu hết các quán cà phê hiện nay đều sử dụng cà phê địa phương thay vì cà phê nhập khẩu.
Andi Haswidi, đồng tác giả cuốn sách Kopi: Indonesian Coffee Craft & Culture nói rằng người Indonesia đã được hưởng lợi rất nhiều từ "làn sóng thứ ba" về tiêu thụ cà phê, trong đó nhấn mạnh đến chất lượng bên cạnh hương vị địa phương và khu vực. Làn sóng này đã phát triển mạnh trên toàn cầu từ khoảng năm 2000.
Ông Haswidi cho biết làn sóng cà phê thứ ba có nhiều cơ hội phát triển ở Indonesia, đồng thời cho biết thêm rằng người Indonesia "chỉ mới bắt đầu làm quen với việc tiêu thụ hạt Arabica", loại hạt cà phê thường được sử dụng trong cà phê đặc sản. (Cà phê hòa tan và giá mềm hơn thường được pha bằng loại hạt được gọi là Robusta).
Haswidi nói thêm rằng số lượng quán cà phê phục vụ cà phê đặc sản ngày càng tăng đã thu hút nhiều người vốn thuộc nhóm trước đây không đánh giá cao loại đồ uống này. Theo Statista, vào năm 2022, số lượng quán cà phê và quán bar ở Indonesia đạt 8.869, tăng từ 5.634 vào năm 2019. Ngoài ra, thế hệ Gen Z đang ưa dùng hạt nội địa chất lượng tốt hơn - thường uống lạnh, phù hợp với khí hậu.
May mắn là những ai muốn khám phá hương vị đa dạng của cà phê đặc sản Indonesia không cần phải đi đâu xa ở đất nước rộng lớn này. Bạn có thể nếm thử nhiều hương vị vùng miền ngay tại Jakarta, ở các quán như One Fifteenth Coffee, chuỗi cửa hàng nhỏ (được đặt tên theo tỷ lệ cà phê với nước được cho là mang lại một tách cà phê lý tưởng) đang mở rộng khắp thủ đô.
Nathalia Gunawan, một trong những người tiên phong mở chi nhánh đầu tiên của chuỗi One Fifteenth Coffee vào năm 2012, cho biết chuỗi được thành lập để cung cấp nhiều loại cà phê Arabica từ Indonesia và trên thế giới, mỗi loại được rang đặc biệt cho cửa hàng.
Bà Gunawan nói: “Vào thời điểm đó, không có nhiều người hiểu loại cà phê chúng tôi đang phục vụ và nhiều người đến từ những nơi xa xôi ở Jakarta để nếm thử”.
"Ngày nay, người tiêu dùng tiến bộ hơn, dễ dàng tiếp cận cà phê đặc sản ở khắp mọi nơi. Các cửa hàng của chúng tôi dựa vào những đánh giá 'truyền miệng' và đã có lượng khách hàng trung thành trong hơn một thập kỷ".
Thức uống của tương lai
Chi nhánh yêu thích của Nana nằm ở Menteng, một khu phố ở Jakarta nổi tiếng với giới tinh hoa chính trị Indonesia. Với nội thất bằng gỗ hiện đại, cửa hàng vẫn giữ nguyên mặt tiền của cấu trúc ban đầu của tòa nhà, một cơ sở di sản được xếp hạng và là địa điểm tuyệt vời để bắt đầu ngày mới với cà phê pha đá hoặc cà phê latte đá với sữa yến mạch. Những khách hàng muốn thử cà phê với hương vị sảng khoái phù hợp với thời tiết nóng nực của Jakarta nên thử rojali, một loại cà phê pha lạnh với soda và nước cốt chanh.
One Fifteenth không chỉ có cà phê ngon, mà còn có các món ăn do bếp trưởng Hikaru Take chế biến, phục vụ khách hàng từ bữa sáng đến bữa tối. Bánh kếp là một món ăn dễ chịu vào buổi sáng và bánh tarte flambee rất phù hợp cho bữa trưa. Món tráng miệng đa dạng từ bánh pudding kẹo bơ cứng đến bánh churros.
Aston Utan, đồng sáng lập Common Grounds Coffee Roaster, một điểm đến mới nổi khác của những người đam mê cà phê, cho biết ông tin tưởng rằng cà phê là thức uống của tương lai, đặc biệt là đối với giới trẻ Indonesia.
Ông Utan thành lập Common Grounds cùng một người anh họ vào năm 2014 sau khi trở về từ Mỹ.
Ông cho biết: "Indonesia có truyền thống uống trà. Chúng tôi đã sản xuất cà phê từ lâu nhưng chưa bao giờ có thói quen uống cà phê. Ngày nay, thế hệ trẻ có tư tưởng cởi mở và bắt đầu khám phá những điều mới mẻ cũng như quan tâm đến cà phê đặc sản", ông nói. "Vì vậy, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng lớn".
Cũng nằm ở Menteng, Common Grounds nằm trong một khu dân cư và có thể hơi khó tìm, nhưng Utan đã biến một tòa nhà không có người ở thành một quán cà phê yên tĩnh, đặc biệt phù hợp với những người thích bầu không khí yên bình. Nội thất mang lại cảm giác gia đình rõ rệt với cửa sổ lớn và bếp mở.
Cơ sở rang xay này sử dụng 70% hạt cà phê từ Indonesia, phục vụ cà phê thủ công và cà phê ủ lạnh được thưởng thức ngon nhất cùng với bánh mới nướng. Common Grounds cũng phục vụ các món brunch từ bánh burritos thuần chay đến món nasi goreng mang tính biểu tượng của Indonesia.
Một điểm hẹn khác cũng đáng trải nghiệm là Kawaki Roastery, nằm ở Nam Jakarta - một tiệm cà phê nhỏ ở Santa Modern Market, nơi được cả người dân địa phương và khách du lịch cũng như người nước ngoài săn lùng cà phê tươi.
Những hạt cà phê tại Kawaki (có nghĩa là "cà phê của chúng tôi" trong ngôn ngữ Toraja) được phân chia theo sự khác biệt về hương vị và mùi thơm, với khoảng 30 loại khác nhau được trồng tại các trang trại quanh Indonesia như đảo du lịch Bali (phía nam Indonesia) và Aceh (tỉnh cực tây của đất nước).
Kawaki bán cà phê Arabica xay với giá chỉ 22.000 rupiah (1,38 USD)/100 gram và những nhân viên am hiểu sẽ giúp khách hàng lựa chọn loại cà phê tốt nhất theo nhu cầu, bao gồm tư vấn về kích cỡ hạt và phương pháp xay.
Không gian chỗ ngồi có hạn, chỉ có vài bàn, nhưng Kawaki phục vụ cà phê được pha bằng nhiều phương pháp khác nhau - bao gồm cà phê đá Nhật Bản và cà phê phin của Việt Nam - được làm từ những hạt cà phê do khách hàng lựa chọn. Theo lời Nana, đối với cô, điểm nổi bật là cà phê đá Nhật Bản được làm từ hạt ở đảo Flores, phía đông Bali, gợi đến quả óc chó nướng với hậu vị mật ong.