Làn sóng cắt giảm lãi suất toàn cầu chậm lại giữa bối cảnh thuế quan và bất ổn chính trị

Tốc độ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn đang chững lại khi các quốc gia tiên phong trong chu kỳ nới lỏng đã gần đi đến hồi kết, trong khi lạm phát "cứng đầu" khiến nhiều nơi vẫn phải duy trì sự thận trọng.

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế đang trở thành yếu tố phức tạp trong hoạch định chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là tại Mỹ, nơi Tổng thống Donald Trump liên tục ám chỉ việc sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Dưới đây là tình hình chính sách tiền tệ tại 10 ngân hàng trung ương lớn:

Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB)

Kỳ vọng SNB sẽ sử dụng lãi suất âm để kiềm chế đà tăng của đồng franc đã giảm mạnh sau khi ngân hàng giữ lãi suất chuẩn ở mức 0% trong tháng 6.

Giới đầu tư đặt xác suất 75% vào khả năng SNB tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 9 và cho rằng ngân hàng đã bắt đầu can thiệp để làm suy yếu đồng franc.

Ngân hàng trung ương Canada (BoC)

BoC dự kiến giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75% trong cuộc họp ngày 30/7 do triển vọng kinh tế bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thuế quan với Mỹ.

Dù nền kinh tế đang suy thoái trong khi lạm phát gia tăng, thị trường tin rằng BoC sẽ tạm dừng sau 225 điểm cơ bản cắt giảm trong vòng 9 tháng tính đến tháng 4.

Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank)

Riksbank đã giảm lãi suất xuống 2% từ 2,25% vào tháng trước và để ngỏ khả năng tiếp tục nới lỏng trong năm nay nếu tăng trưởng kém và lạm phát duy trì ở mức thấp.

Ngân hàng đã cắt giảm tổng cộng 200 điểm cơ bản kể từ tháng 5/2024.

Ngân hàng trung ương New Zealand (RBNZ)

RBNZ giữ nguyên lãi suất đầu tháng này nhưng phát tín hiệu sẵn sàng cắt giảm tiếp nếu áp lực giá tiếp tục suy yếu. Đến nay, ngân hàng đã cắt giảm 225 điểm cơ bản trong chu kỳ hiện tại.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB)

ECB giữ nguyên lãi suất trong tuần này sau 8 lần cắt giảm trong năm qua, hiện ở mức 2% (giảm từ 4%).

Với lạm phát quay về mục tiêu 2%, giới đầu tư đặt xác suất 80% cho một đợt cắt giảm cuối vào cuối năm, phụ thuộc vào diễn biến đàm phán thương mại và đà tăng của đồng euro.

Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed)

Fed sẽ nhóm họp vào tuần tới và gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất, bất chấp sức ép lớn từ Tổng thống Trump đòi cắt giảm mạnh.

Khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 9 hiện ở mức khoảng 50%, giảm so với trước do lạm phát tháng 6 tăng lên 2,7% so với cùng kỳ.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE)

BoE sẽ họp vào ngày 7/8. Dù lạm phát và thị trường lao động không yếu như dự đoán, thị trường vẫn kỳ vọng BoE sẽ giảm 25 điểm cơ bản trong tháng 8 và thêm một lần nữa trước cuối năm.

Ngân hàng trung ương Úc (RBA)

RBA khiến thị trường bất ngờ khi giữ nguyên lãi suất tại 3,85% đầu tháng này.

Thống đốc Michele Bullock cho biết ngân hàng muốn chờ thêm dữ liệu xác nhận xu hướng lạm phát giảm. Hai lần cắt giảm nữa đã được thị trường định giá trước cuối năm.

Ngân hàng trung ương Na Uy (Norges Bank)

Norges Bank cắt giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 4,25% trong tháng trước – lần đầu tiên kể từ năm 2020.

Với lạm phát lõi ở mức 3,1%, ngân hàng vẫn giữ lập trường thận trọng và thị trường chỉ kỳ vọng thêm một đợt cắt giảm trong năm nay.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ)

BoJ là ngân hàng trung ương lớn duy nhất vẫn trong chu kỳ tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự bất ổn quanh chính trị trong nước và thuế quan Mỹ đã làm phức tạp nhiệm vụ của họ.

Sau khi Mỹ và Nhật đạt được thỏa thuận thương mại, Phó thống đốc BoJ Shinichi Uchida cho biết điều kiện để tiếp tục tăng lãi suất có thể đang dần hội tụ khi triển vọng đạt mục tiêu lạm phát 2% trở nên rõ ràng hơn.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/lan-song-cat-giam-lai-suat-toan-cau-cham-lai-giua-boi-canh-thue-quan-va-bat-on-chinh-tri-167807.html