Làn sóng Covid toàn cầu khiến chứng khoán Mỹ chao đảo, giá dầu xuống đáy 6 tuần
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/11), khi làn sóng Covid mới đang nổi lên trên toàn cầu khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Giá dầu thô cũng giảm chóng mặt vì nỗi lo nhu cầu tiêu thụ sẽ suy yếu vì các biện pháp kiểm soát virus được tái áp ở nhiều quốc gia.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,75%, còn 35.601,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,14%, còn 4.697,96 điểm.
Đi ngược xu hướng giảm của thị trường phiên này là cổ phiếu công nghệ, nhờ đó chỉ số Nasdaq tăng 0,4%, đạt 16.057,44 điểm.
Mặc phiên giảm này, S&P 500 vẫn tăng 0,3% trong cả tuần. Loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan từ các công ty bán lẻ lớn và số liệu mạnh về ngành bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 đã giúp chỉ số chống lại áp lực giảm từ lạm phát và mối lo Covid-19.
Dow Jones giảm 1,3% cả tuần, trong khi Nasdaq tăng 1,2%.
Chứng khoán Mỹ “tròng trành” sau khi nước Áo tuyên bố sẽ tái áp phong tỏa toàn quốc do số ca nhiễm Covid tăng vọt, trở thành nước phương Tây đầu tiên phong tỏa tòa quốc trở lại để chống Covid. Trước đó, vào hôm thứ Năm, Đức đưa ra hạn chế mới đối với những người chưa tiêm vaccine, trong bối cảnh làn sóng Covid thứ tư đưa số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này lên mức cao kỷ lục. Cả Đức và Pháp cũng đều cảnh báo khả năng tái áp phong tỏa toàn quốc.
Sự hoảng hốt của nhà đầu tư trong phiên này là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng thị trường dường như quên mất những bước tiến gần đây về vaccine, các loại thuốc đặc trị Covid và các phương pháp khác để chống lại căn bệnh này – theo nhà phân tích chiến lược đầu tư Ross Mayfield thuộc Baird.
“Chúng ta đã trải qua hết làn sóng này đến làn sóng khác của Covid và các biến chủng khác nhau của virus, và chúng ta chưa bao giờ thực sự chứng kiến một cuộc bán tháo thực sự lớn trên thị trường vì điều đó”, ông Mayfield nói với hãng tin CNBC. “Một phần đó là bởi khi bán một số nhóm cổ phiếu thì các nhà đầu tư lại chuyển sang mua những nhóm cổ phiếu khác. Một phần là do sau mỗi làn sóng Covid, chúng ta lại học thêm được cách sống chung và ứng phó với virus. Tôi không cho rằng Covid sẽ là một chủ đề khiến thị trường phải lo lắng quá lâu”.
Tuy nhiên, đỏ vẫn là màu sắc chủ đạo trên bảng giá cổ phiếu ở Phố Wall phiên này. Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về các hãng hàng không và sản xuất máy bay, như cổ phiếu United Airlines sụt 2,7%; Delta giảm 1%; và Boeing mất 5,7%. Cổ phiếu các công ty liên quan đến du lịch cũng sụt mạnh, như Airbnb giảm 3,8%; Booking Holdings giảm 1,5%; Norwegian Cruise Line Holdings giảm khoảng 2,5%; và Roycal Caribbean trượt 2,9%.
Mới tuần trước, các cổ phiếu hàng không và du lịch trên thị trường Mỹ còn tăng điểm mạnh sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden dỡ hạn chế đi lại, cho phép du khách từ nhiều nước được nhập cảnh trở lại vào nước này sau gàn 20 tháng hạn chế vì Covid. Số ca nhiễm mới tăng mạnh và các biện pháp hạn chế được tái áp ở châu Âu lại đang nhấn chìm hy vọng về sự khởi sắc mạnh mẽ về hoạt động đi lại giữa hai bờ Đại Tây Dương – một chìa khóa để kinh doanh có lãi trở lại đối với các hãng hàng không.
Cổ phiếu dầu khí không tránh khỏi cảnh giảm sâu trong phiên này, do nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp phong tỏa mới sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Devon Energy giảm 6,2%; Hess giảm 5,7%; Baker Hughes và Diamondback Energy giảm hơn 5% mỗi cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu hãng dược Moderna tăng gần 5% sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn mũi tiêm nhắc lại bằng vaccine Covid của hãng đối với tất cả người trưởng thành ở Mỹ.
Đến hiện tại, đã có khoảng 95% số công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 3, trong đó 81% đưa ra kết quả vượt dự báo của giới phân tích – theo dữ liệu từ Refinitiv. Ước tính, lợi nhuận quý 3 của doanh nghiệp trong chỉ số này tăng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổ phiếu công nghệ tiếp tục tăng mạnh nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và mối lo về Covid khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi cổ phiếu ngân hàng, công nghệ và các cổ phiếu giá trị khác để gom mua cổ phiếu công nghệ. Các cổ phiếu công nghệ lớn như Adobe, Meta, Nvidia, Microsoft, Apple… đồng loạt đóng cửa trong trạng thái “xanh”.
Trong một diễn biến khác, Hạ viện Mỹ ngày 19/11 đã phê chuẩn gói chi tiêu 1,7 nghìn tỷ USD mà ông Biden khởi xướng dành cho phúc lợi xã hội. Tiếp đến, kế hoạch này sẽ được gửi lên Thượng viện. Việc kế hoạch được phê chuẩn ở Hạ viện đã giải tỏa bớt những lo ngại trước đó trong tâm trí nhà đầu tư.
Thị trường đang chờ xem ông Biden sẽ chọn ai cho cương vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiệm kỳ tiếp theo, với quyết định được dự kiến công bố vào cuối tuần này. Nhiều người tin rằng ông Lael Brainard, một thống đốc với quan điểm mềm mỏng của Fed, sẽ được chọn. Họ cho rằng, nếu ông Brainard trở thành Chủ tịch mới của Fed thay cho ông Jerome Powell từ tháng 2 năm sau, Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ chậm hơn.
Giá dầu WTI giao sau tháng 12 thị trường New York giảm 2,91 USD/thùng, tương đương giảm 3,6%, còn 76,1 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 1 tại thị trường London giảm 2,35 USD/thùng, tương đương giảm 2,9%, còn 78,89 USD/thùng.
Tuần này đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp của dầu thô, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 3/2020.
“Các yếu tố nền tảng của thị trường dầu về cơ bản vẫn đang tốt ở thời điểm này, nhưng phong tỏa đang trở thành một rủi ro, nếu như các quốc gia khác hành động tương tự như Áo”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda phát biểu.
Giá dầu đã giảm liên tiếp trong 4 tuần trở lại đây do khả năng Mỹ xả dự trữ chiến lược để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước và có những dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu có thể suy yếu do làn sóng Covid mới. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ lại đang tăng lên ở một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ, do các công ty khai thác dầu muốn tranh thủ mức giá dầu lên cao gần đây.
Giá dầu WTI đạt mức cao nhất 7 năm ở 85,41 USD/thùng vào hôm 25/10. Từ đó đến nay, giá dầu WTI đã giảm 11,5%. Dù vậy, so với thời điểm đầu năm, giá dầu này vẫn tăng 55%.