Làn sóng dịch COVID-19 mới đe dọa hy vọng hồi sinh ngành du lịch Thái Lan

Làn sóng COVID-19 mới đang bùng phát có khả năng đe dọa sự hồi phục của ngành du lịch Thái Lan, làm hỏng kế hoạch đưa khách du lịch trở lại với hy vọng thay đổi vận mệnh của những thiên đường du lịch ở xứ chùa Phật ngọc.

Làn sóng dịch COVID-19 mới đe dọa hy vọng hồi sinh ngành du lịch Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Làn sóng dịch COVID-19 mới đe dọa hy vọng hồi sinh ngành du lịch Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Theo tờ Bangkok Post, hầu hết các địa điểm nghỉ lễ nổi tiếng của Thái Lan gần như vắng khách trong kỳ nghỉ lễ Songkran kéo dài vào tuần trước. Làn sóng COVID-19 mới nhất, với số ca lây nhiễm hàng ngày tăng cao cả tuần và đạt kỷ lục 1.767 ca vào hôm 18/4, khiến khách du lịch sợ hãi rời khỏi các khu nghỉ mát bãi biển nổi tiếng gần Bangkok như Pattaya, Cha-am và Hua Hin. Những nơi này cũng trở thành ổ dịch sau sự kiện siêu lây nhiễm tại các quán rượu địa phương.

Chiang Mai cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng du khách đến thăm, khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới vượt mốc 200 ca/ngày. Chính quyền các địa phương đã bày tỏ lo ngại nghiêm trọng đối với tỉnh phía bắc này khi Chiang Mai đã trở thành ổ dịch lớn thứ 2 cả nước, sau Bangkok kể từ khi ổ dịch mới bùng phát vào đầu tháng 4.

Chính phủ Thái Lan đã tìm ra nguồn gốc của các đợt bùng phát mới, đó là các quán bar, câu lạc bộ và tụ điểm giải trí. Những địa điểm này đã nhanh chóng phải đóng cửa trong ít nhất 2 tuần đến cuối tháng 4, theo các biện pháp phòng dịch được công bố hôm 16/4. Trường học cũng phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng bị cấm bán rượu.

Các doanh nghiệp cũng đang hành động để ngăn chặn sự lây lan của các biến chủng virus mới, chủ yếu là chủng B117. Các ngân hàng đã cắt giảm giờ hoạt động, các trung tâm mua sắm trên toàn quốc sẽ đóng cửa lúc 9 giờ tối, sớm hơn một giờ so với thường lệ, cho đến khi có thông báo mới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) ước tính sự bùng phát của làn sóng COVID-19 mới có thể đã cắt giảm mức chi tiêu của khách du lịch trong kỳ lễ Songkran khoảng 2,4 tỷ bath, do nhiều người đã hủy chuyến đi và đặt phòng khách sạn.

Trung tâm nghiên cứu Kasikorn mới đây dự báo doanh thu du lịch cũng sẽ giảm ít nhất 130 tỷ baht trong nửa đầu năm 2021, do 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây.

Năm 2019, du lịch đóng góp khoảng 20% GDP của Thái Lan khi quốc gia này đón gần 40 triệu khách du lịch nước ngoài. Con số đó giảm xuống 6,7 triệu vào năm ngoái, gần như tất cả trong 3 tháng đầu tiên.

Trên toàn cầu, các quốc gia cũng trải qua mức giảm từ 35% đến 48% trong chi tiêu cho du lịch vào năm ngoái so với 2019. Lượng khách du lịch đến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm 84% vào năm 2020, cao hơn mức giảm 74% trên toàn cầu, theo Tổ chức Du lịch Thế giới.

Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều kiểm soát chặt chẽ du lịch quốc tế nhằm ngăn chặn các ca mắc nhập cảnh. Những hạn chế đã được thắt chặt trong những tháng gần đây.

Bãi biển vắng khách tại Phuket do tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: Bloomberg

Bãi biển vắng khách tại Phuket do tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: Bloomberg

Bất chấp thành công tương đối của khu vực trong việc ngăn chặn COVID-19, sự gia tăng đột biến số ca mắc gần đây ở các quốc gia như Ấn Độ - hiện đã vượt qua Brazil về số ca mắc COVID-19, trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 trên thế giới - khiến việc di chuyển quốc tế về cơ bản vẫn bị đình trệ.

Campuchia, quốc gia có số ca bệnh tăng đáng kể từ tháng 2, đã kéo dài lệnh giới nghiêm ở Phnom Penh từ tuần trước. Hôm 12/4, Malaysia cũng đã gia hạn lệnh kiểm soát việc đi lại khi các ca mắc mới tiếp tục gia tăng, chạm mốc 2.078 ca vào ngày 19/4.

Để hồi sinh ngành du lịch đang gặp khó khăn, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một mô hình đầy tham vọng nhằm nối lại chuyến du lịch miễn kiểm dịch cho những du khách đã được tiêm vaccine COVID-19 từ các quốc gia đến Phuket bắt đầu từ ngày 1/ 7.

Phuket từng đón 10 triệu khách nước ngoài giúp thúc đẩy nền kinh tế. Do đó, đây là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước.

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn cũng cho biết 2 tuần trước rằng ông sẽ thảo luận về bong bóng du lịch với Singapore. Hiệp hội Khách sạn Phuket, đại diện cho 80 khách sạn, xác nhận rằng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra về việc chỉ định hòn đảo này là một điểm đến bong bóng.

Bãi biển Patong vắng vẻ ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Bãi biển Patong vắng vẻ ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, sự trỗi dậy các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã đe dọa kế hoạch mở lại Phuket. Chính phủ phải nghiêm túc xem xét lại kế hoạch nếu không thể kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ 3 hiện nay.

Nếu chính phủ không cô lập hoàn toàn Phuket khỏi phần còn lại của Thái Lan, việc chào đón khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới có thể khiến nước này có nguy cơ lây lan dịch rộng hơn.

Trọng tâm bây giờ là khách du lịch trong nước, đặc biệt là đến các điểm đến có rủi ro thấp và mới nổi. Quá trình đổi mới ngành du lịch Thái Lan sẽ có sự tham gia của các chuyên gia trong ngành, chính phủ, chính quyền địa phương, công ty du lịch, khách sạn và hãng hàng không.

Việc đón khách du lịch quốc tế nên được thực hiện một cách thận trọng và từ từ bằng cách đảm bảo sự lây lan được kiểm soát trước.

Thái Lan hiện có thể đẩy nhanh sự phục hồi của ngành du lịch bằng cách nắm bắt các cơ hội tăng trưởng mới nổi trong nước khi họ từng bước xây dựng lại niềm tin của du khách quốc tế.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lan-song-dich-covid19-moi-de-doa-hy-vong-hoi-sinh-nganh-du-lich-thai-lan-20210420115003414.htm