'Làn sóng' hy sinh sự nghiệp để ở nhà quản con học của những bà mẹ Trung Quốc
Ván cược này của các bậc phụ huynh, chủ yếu là những bà mẹ có con ở độ tuổi đi học liệu có thực sự xứng đáng?
Khái niệm peidu (tạm dịch: giáo dục kèm cặp) đang ngày càng phổ biến tại đất nước tỷ dân có nền giáo dục khắc nghiệt bậc nhất thế giới. Theo đúng nghĩa đen của từ peidu, xu hướng này được lý giải là một phụ huynh trong gia đình (thường là các bà mẹ) chấp nhận từ bỏ công việc, dành toàn bộ thời gian giám sát việc học của con, đảm bảo chúng tập trung tốt hơn và kỳ vọng chúng đạt kết quả cao hơn trong học tập.
Khắp Trung Quốc, số lượng các bà mẹ peidu nhiều không kể xiết. Qi Weiwei dễ dàng tìm ra họ trong các chuyến đi thực địa đến vùng nông thôn để nghiên cứu với tư cách tiến sĩ về chủ nghĩa xã hội khoa học. Đến nay, cô đã đi qua các tỉnh Quảng Đông, Hà Nam, Hồ Nam và Sơn Đông.
Hè năm ngoái, Qi đến một ngôi làng thuộc huyện Đông Chí, phía đông tỉnh An Huy, nơi cô nghe mọi người nhắc nhiều đến các bà mẹ peidu. Nhóm cư dân cao tuổi của ngôi làng nghèo khó cho hay người trẻ đã di cư đến các vùng đô thị - đàn ông tìm việc làm, phụ nữ chăm sóc con cái đang ở độ tuổi đi học. Những bà mẹ này chủ yếu là 8X hoặc đầu 9X, lựa chọn hy sinh sự nghiệp, cuộc sống xã hội và thời gian dành cho bản thân. Mỗi ngày của họ luôn chỉ xoay quanh những đứa con.
Tại sao họ quyết định như vậy? Đó là một ván cược lớn hoàn toàn dựa trên niềm hy vọng rằng con cái sẽ đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi, đặt chân được vào một trường đại học tốt và phá vỡ vòng vây luẩn quẩn của đói nghèo.
Hy vọng hay tuyệt vọng?
Qi gặp một bà mẹ ở độ tuổi 30 đưa con về làng nghỉ hè. Chồng cô làm công việc trang trí ở Bắc Kinh. Con gái lớn của cô đang học trung học cơ sở ở thị trấn Dương Hồ, do đó cô nghỉ việc để giám sát con học hành toàn thời gian. Cùng với con gái út 4 tuổi, ba mẹ con sống một cách đạm bạc - hơn nửa thu nhập của gia đình đổ vào tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt.
Khi gặp ngày càng nhiều phụ nữ, Qi nhận thấy đây là hoàn cảnh chung. Trong số các gia đình xuất thân từ nông thôn, hầu như luôn xảy ra thực trạng các bà mẹ từ bỏ sự nghiệp của mình.
Một bà mẹ khác làm việc ở Thượng Hải cùng chồng, để con học tiểu học ở quê. Đứa trẻ không chịu làm bài tập về nhà còn ông bà thì bất lực. Khi đó cô giáo đã gọi điện cho bà mẹ này và nói: "Cô mà không trở về thì đứa trẻ này xong đời". Đó là lý do cô trở về chăm con.
Theo khảo sát của Qi, các bà mẹ thường bỏ việc khi con học năm thứ ba trung học cơ sở (dù nhiều người còn bắt đầu sớm hơn, từ lúc con học tiểu học). “Việc tách học sinh theo chương trình phổ thông và hướng nghiệp khiến phụ huynh lo lắng. Hầu hết phụ huynh đều cảnh giác với các trường dạy nghề. Vì vậy, họ dành hết tâm sức cho con trong năm này để yên tâm là chúng có thể vào trung học phổ thông và sau đó là đại học”, Qi nói.
Thông thường, một ngày của họ diễn ra trong căn hộ nhỏ thuê gần trường, bận rộn nấu nướng và chuẩn bị cho việc học của con. Sau giờ học, họ còn cẩn thận theo dõi các biểu hiện của con và giữ chúng bên mình mọi lúc.
Một số bà mẹ trông con rất chặt. Chẳng hạn, nếu biết thời gian từ trường về nhà mất khoảng 20 phút mà sau khoảng thời gian đó không thấy con xuất hiện, họ sẽ tìm hỏi giáo viên.
Thực tế, một số người rất nghiêm khắc với chuyện học của con vì bản thân không dành đủ thời gian cho việc học. Những đứa trẻ như vậy bị dồn nén rất nhiều áp lực, cảm thấy thiếu thốn tự do và vì thế hay cãi lại phụ huynh. Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái thường căng thẳng.
Trong các cuộc trò chuyện, Qi nhận thấy sự lo lắng của các bà mẹ. Họ đau khổ nhấn mạnh về cảm giác cô lập trong cuộc sống hàng ngày - sống xa nhà, tương tác xã hội hạn chế, chủ yếu chỉ tương tác với bà mẹ cùng cảnh ngộ hoặc trong những lần chơi mạt chược và đi mua sắm. Hầu hết không có việc làm và lịch trình cũng rất khác nhân viên văn phòng bình thường nên rất khó để hòa nhập với mọi người.
Không ít trường hợp vì cô đơn, căng thẳng mà lạc lối. Vì không có cuộc sống của riêng mình và không thể chia sẻ những vấn đề thường ngày với chồng, những bà mẹ này tìm kiếm sự giải thoát trong các cuộc chơi xì tố và thậm chí ngoại tình.
Sự hy sinh có xứng đáng?
Qi lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Thời cô còn đi học, rất ít phụ huynh từ quê lên các trường huyện để kèm con học hành. Thông thường, cha mẹ làm việc ở thành phố và để con cái ở lại làng với ông bà.
Nhưng khoảng một thập kỷ trở lại đây, peidu dần chiếm ưu thế. Năm 2001, Trung Quốc đưa ra chính sách sáp nhập các trường học ở nông thôn, sau đó nhiều trường buộc phải đóng cửa. Kể từ đó, số trường tiểu học nông thôn trên toàn quốc giảm từ 440.000 xuống còn 155.000 vào năm 2012. Nguồn lực giáo dục tập trung nhiều hơn vào các trường huyện và lựa chọn của phụ huynh dần dần là cho con nhập học ở những trường này.
Hơn nữa, tại các làng quê, hầu hết người già bị bỏ lại đều khó theo kịp thời đại kỹ thuật số. Giáo viên liên lạc bằng điện thoại di động nhưng nhiều ông bà thậm chí còn phải vật lộn với thiết bị này.
Một người trong làng kể với Qi chuyện về ông già không thể dạy kèm cho cháu mình. Khi đứa trẻ không hoàn thành bài tập về nhà, giáo viên công khai chỉ trích ông trong nhóm chat giữa giáo viên và phụ huynh. Cảm thấy bẽ mặt, ông nhất quyết đòi bố mẹ đứa trẻ về nhận lại con.
Như vậy, nhà trường cũng vô tình gây áp lực cho phụ huynh theo nhiều cách khác nhau. Hiệu trưởng các trường tiểu học và trung học thẳng thắn thể hiện quan điểm bố mẹ ở gần sẽ tốt hơn cho việc học của con.
Tất nhiên, một số trường huyện có thể cung cấp chỗ ở cho học sinh, nhưng bản thân các bà mẹ sẽ tự thấy như vậy là chưa đủ. Nếu các bà mẹ khác dốc sức chăm sóc con của họ, mình cũng phải dốc sức chăm sóc con của mình.
Ở góc độ nhà nghiên cứu, Qi tỏ ra bi quan trước thực trạng này: “Điều này chẳng ích gì trong đa số trường hợp. Cuối cùng cũng chỉ có một số ít học sinh đạt điểm cao và vượt qua kỳ thi tuyển vào đại học”.
Bất kể các bà mẹ hy sinh nhiều thế nào cho việc học của con, họ phải đối mặt với viễn cảnh con cái sẽ bị điểm trung bình hoặc thi trượt đại học.
Vòng lặp luẩn quẩn
Ngoài sự thất vọng, các bà mẹ còn lo lắng về những cơ hội đã mất của mình. “Vào thời điểm peidu kết thúc, rất nhiều bà mẹ ở độ tuổi 40 hoặc 50 và về cơ bản không thể tham gia vào thị trường việc làm. Họ buộc phải dựa dẫm vào chồng hoặc tìm công việc không yêu cầu tay nghề cao, chẳng hạn như rửa bát”, Qi nói.
Mọi hoạt động vốn chỉ xoay quanh gia đình, nhưng dường như họ không có nổi một mái ấm. Họ thường chôn chặt những hối tiếc - sự nghiệp, bạn bè, kết nối xã hội và ý nghĩa cuộc sống. Không chỉ những người phụ nữ này mà các ông chồng của họ cũng gồng gánh trên vai rất nhiều áp lực khi phải làm trụ cột kinh tế duy nhất và sống xa vợ con.
Theo Qi, một số bà mẹ cũng đạt được “thành công” như mong muốn, nhưng thành công đó thường đi kèm cái giá rất đắt. Qi gặp một phụ nữ có con gái đã vào được trường đại học tốt, nhưng mối quan hệ của hai mẹ con trở nên rất căng thẳng từ khi con gái cô còn học cấp hai. Hiện bà mẹ này sắp lặp lại quy trình peidu căng thẳng đó với cậu con trai mới bắt đầu năm nhất trung học cơ sở.
“Nếu không peidu, các con sẽ đổ lỗi cho tôi vì chúng bị điểm kém và không thể vào đại học tốt, đúng không? Tôi đã làm những gì mình phải làm. Dù kết quả ra sao, ít nhất tôi cũng không hổ thẹn với lòng mình”, người này nói.