Làn sóng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn
Sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chứng kiến làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn mạnh mẽ của các doanh nghiệp phát hành.
Công ty cổ phần Yamagata công bố hôm 16/9 vừa qua đã mua lại toàn bộ số trái phiếu đang lưu hành của 17 lô trái phiếu được phát hành trong các năm 2017 và 2018. Tổng giá trị trái phiếu mua lại là hơn 4.500 tỷ đồng. Trước đó 3 lô trái phiếu khác cũng được Yamagata mua lại với giá trị khoảng 300 tỷ đồng.
Một công ty khác là Công ty Cổ phần Azura, hôm 6/9 công bố đã mua lại hơn 7.300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Các trái phiếu này được phát hành trong năm 2018 và 2019.
Ước tính, hai công ty Yamagata và Azura đã chi ra hơn 12.000 tỷ đồng để trả lại cho trái chủ trước hạn. Kỳ hạn ban đầu của các trái phiếu này đều kéo dài 10 năm, theo các thông báo phát hành trước đây.
Thông tin từ cơ quan đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm cho thấy, trong các năm 2017 và 2018, Azura và Yamagata bán trái phiếu cho Công ty Cổ phần Bông Sen và sau đó dùng số tiền huy động được để cung cấp vốn cho FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất thị trường.
Sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chứng kiến làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn mạnh mẽ của các doanh nghiệp phát hành. Theo Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61.900 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó riêng quý II là hơn 40 nghìn tỷ đồng.
Trong quý III, ngoài hai công ty kể trên, nhiều doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu khối lượng lớn như Tập đoàn Gelex (GEX) gần đây tổ chức nhiều đợt mua lại trái phiếu, với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng. Công ty cổ phần An Phát Finance tất toán trước hạn toàn bộ bảy lô trái phiếu có tổng giá trị 570 tỉ đồng. Công ty Intimex Việt Nam cũng mua lại trước hạn gói 2.000 tỉ đồng trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9-2027.
Nhóm các công ty năng lượng thuộc Tập đoàn Trung Nam cũng chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại từng phần các lô trái phiếu trước hạn. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) thanh toán 2.800 tỷ đồng trái phiếu dù chưa đến hạn, dự kiến thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023.
Gần đây hơn, Công ty Đầu tư T&M Việt Nam tất toán toàn bộ 823 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào tháng 12/2022. Công ty Bất động sản An Gia cũng tất toán trước hạn 200 tỷ đồng trái phiếu hay Công ty TMDV Cổng Vàng mua lại toàn bộ lô trái phiếu gần 500 tỷ đồng.
Một công ty có tên Công ty Cổ phần Mua bán nợ Azura cũng mua lại tổng cộng hơn 2.000 tỷ đồng các trái phiếu trước hạn. Các trái phiếu của công ty này phát hành năm 2017 và 2018 có kỳ hạn lên đến 10 năm.
Theo quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Điều này góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo tính trung thực của hồ sơ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích, có trách nhiệm.