Làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào EU ngày càng gia tăng
Thủ tướng Hy Lạp đã tới Cairo cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu để hoàn tất gói viện trợ trị giá khoảng 8 tỷ USD, nhằm củng cố nền kinh tế Ai Cập và giúp ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp.
Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng nhập cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng, khi cuộc khủng hoảng Gaza tiếp diễn. Nguy cơ khủng hoảng di cư đang hiện hữu đã khiến Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu tới Ai Cập vào ngày 17/3, để ký gói viện trợ trị giá hơn 8 tỷ USD, nhằm giảm bớt tình trạng di cư và tăng cường các thỏa thuận hợp tác về năng lượng với quốc gia này.
Sự gia tăng làn sóng di cư bất hợp pháp đã chứng kiến số lượng người vào Hy Lạp tăng hơn 400% chỉ trong tháng vừa qua. Người Palestine có số lượng di cư sang khu vực này đang đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp đó là người đến từ Ai Cập.
Bộ trưởng Bộ Di trú và tị nạn Hy Lạp Dimitris Keridis cho biết, Ai Cập đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng ở Gaza. Đất nước đang gặp khó khăn này tiếp tục phải hứng chịu căng thẳng leo thang từ cuộc khủng hoảng ở Gaza và làn sóng người tị nạn ngày càng gia tăng. Kể từ đầu năm, các đảo Crete và Gavdos ở cực Nam của Hy Lạp đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dòng người Ai Cập đổ bộ hàng ngày vào bờ biển Hy Lạp.
Hy Lạp là cửa ngõ ưa thích vào Liên minh châu Âu của người di cư từ Trung Đông, châu Phi và châu Á kể từ năm 2015, khi có khoảng 1 triệu người đổ bộ lên các hòn đảo của nước này, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có. Theo thống kê mới nhất, hơn 1 triệu người đã xin tị nạn ở EU trong năm 2023. Cùng với những người nhập cảnh hợp pháp, có tới 3,5 triệu người đã di cư sang EU vào năm 2023.
Trung tâm Phát triển chính sách di cư quốc tế (ICMPD) dự đoán, chiến tranh và xung đột sẽ gây ra mức độ di cư kỷ lục trên toàn thế giới trong năm nay. Đồng thời, nhiều người di cư kinh tế sẽ tới châu Âu tìm kiếm việc làm, trước khi các nước châu Âu có khả năng đưa ra những hạn chế sau các cuộc bầu cử trong năm nay.
Ngày 17/3, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã tới Cairo cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen để hoàn tất gói viện trợ trị giá khoảng 8 tỷ USD, nhằm củng cố nền kinh tế Ai Cập và giúp ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Theo thỏa thuận đã lên kế hoạch, đợt hỗ trợ đầu tiên trị giá 1 tỷ USD sẽ được phân bổ ngay lập tức dưới dạng hỗ trợ tài chính khẩn cấp, phần còn lại sẽ gắn liền với cải cách kinh tế.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen cho biết, các bên đã chứng kiến một thời điểm lịch sử với việc ký kết quan hệ đối tác dựa trên 6 trụ cột. Các bên đều quan ngại về tình hình ở Gaza và sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo tới khu vực này. Các quan chức EU cũng đề cập đến đầu tư năng lượng và hy vọng kết nối Hy Lạp với Ai Cập sẽ tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu.
Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã đưa ra tuyên bố chung, sau khi ký kết thỏa thuận song phương trước cuộc gặp chung giữa hai nhà lãnh đạo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen và các nhà lãnh đạo Bỉ, Italy, Áo và Cộng hòa Síp. Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh, đây là một dấu mốc quan trọng cho hợp tác chiến lược giữa hai nước. Ông khẳng định, Hy Lạp sẵn sàng giúp đỡ nước này trong mọi nỗ lực nhằm đạt được sự ổn định và thịnh vượng cho Ai Cập cũng như cả khu vực.
Về hợp tác năng lượng giữa hai nước, Thủ tướng Hy Lạp cho biết, Ai Cập có thể trở thành trung tâm năng lượng cho khu vực. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án đường ống kết nối năng lượng của nhau. Về phần mình, Tổng thống Ai Cập cho biết chuyến thăm của các nhà lãnh đạo EU có tầm quan trọng và mang tính biểu tượng lớn, vì đã cùng nhau tạo ra sự thay đổi trong sự hợp tác vì mục tiêu chung. Ông nhấn mạnh rằng, các bên đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Ai Cập vào nửa cuối năm 2024.