Làn sóng phản đối 'over-tourism' và bài học du lịch bền vững cho Việt Nam

'Phát triển du lịch bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của cả cộng đồng. Chúng ta cần thay đổi tư duy, từ việc tập trung vào tăng trưởng về mặt số lượng sang chú trọng đến chất lượng và sự bền vững', ông Đoàn Đức Minh, Phó trưởng khoa Du lịch, trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

(KTSG) – “Phát triển du lịch bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của cả cộng đồng. Chúng ta cần thay đổi tư duy, từ việc tập trung vào tăng trưởng về mặt số lượng sang chú trọng đến chất lượng và sự bền vững”, ông Đoàn Đức Minh, Phó trưởng khoa Du lịch, trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Du lịch bền vững là con đường tất yếu

KTSG: Thưa ông, hiện tượng “phản đối sự phát triển du lịch quá mức” ngày càng được ghi nhận nhiều hơn ở các điểm đến nổi tiếng thế giới như Barcelona (Tây Ban Nha), Venice (Ý)… Nhìn từ góc độ du lịch bền vững, hiện tượng này có thể được lý giải ra sao?

– Ông Đoàn Đức Minh: Theo tôi, thứ nhất, đó là hệ quả của việc quá tải du khách. Khi số lượng du khách quá đông, các điểm đến sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng giá cả dịch vụ. Du khách quá đông ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Thứ hai, du lịch ồ ạt có thể làm ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa địa phương. Khi các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng chiếm ưu thế, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ bị lu mờ, những nghi thức thực hành tôn giáo, tín ngưỡng sẽ mất đi tính thiêng.

Thứ ba, để đáp ứng nhu cầu của lượng du khách quá đông, các điểm đến thường phải khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, gây ra tình trạng suy thoái môi trường. Tài nguyên di sản cũng bị khai thác quá mức, ảnh hưởng đến tính bền vững của điểm đến.

Cuối cùng, lợi ích nhờ sự phát triển du lịch thường được phân phối không đồng đều, chủ yếu rơi vào một nhóm nhỏ người giàu có, thậm chí là những nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, đa phần người dân bản địa phải đối mặt và gánh chịu mọi hậu quả do sự phát triển du lịch quá mức gây ra.

Sự phản đối của người dân nhiều địa phương ở các quốc gia trên thế giới đối với du lịch quá mức là tín hiệu cho thấy cần phải có sự điều chỉnh trong phát triển du lịch, hướng tới mô hình du lịch bền vững mang lại lợi ích cho cả du khách, cộng đồng và môi trường bản địa.

KTSG: Theo ông, các biện pháp điều hướng và hạn chế bớt du khách, đặc biệt là du khách đoàn đông, liệu có thể làm giảm bớt phản ứng từ người dân các địa phương này?

– Việc điều hướng và hạn chế số lượng du khách, đặc biệt là các đoàn du lịch lớn, là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu tình trạng quá tải du khách và làm dịu bớt sự phản đối của người dân địa phương. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp trên cần được thực hiện một cách linh hoạt và phù hợp với từng địa điểm cụ thể. Quan trọng nhất là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư.

KTSG: Hiện tượng trên chắc chắn chưa xảy ra tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta đang coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc rút kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đi trước cũng rất cần thiết. Việt Nam nên suy nghĩ về hiện tượng mới phát sinh nêu trên như thế nào?

– Việc Việt Nam chủ động học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển về du lịch là một bước đi vô cùng sáng suốt. Hiện tượng phản đối du lịch quá mức cũng đã có nhưng chưa đáng báo động ở Việt Nam, việc chủ động phòng ngừa và xây dựng một nền du lịch bền vững ngay từ bây giờ là vô cùng quan trọng.

Khó khăn trên con đường tiến tới du lịch bền vững tại Việt Nam trước hết nằm ở áp lực tăng trưởng kinh tế. Lựa chọn tăng trưởng nóng, tăng trưởng nhanh trong ngành du lịch sẽ kéo theo các vấn đề môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, ngành du lịch đang thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhờ chất lượng và bền vững.

Trước tiên, chúng ta nên suy nghĩ và nhận diện các dấu hiện ban đầu dẫn đến hiện tượng phản đối du lịch quá mức. Đó là việc tăng trưởng du lịch quá nhanh; hạ tầng, cơ sở vật chất quá tải; người dân địa phương khó chịu, bất mãn, có những phản ứng tiêu cực, dù chỉ ở mức độ nhẹ.

Trên cơ sở đó, các bên liên quan nên ngồi lại đánh giá, phân tích, trao đổi và xây dựng quy hoạch du lịch bền vững.

Cuối cùng là tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc tuyên truyền về du lịch bền vững và tổ chức các hoạt động gắn kết cộng đồng vào hệ sinh thái du lịch bền vững.

Phải hài hòa được lợi ích giữa các bên

KTSG: Trên thực tế, vẫn đang có nhiều bất cập trong phát triển du lịch ở các địa phương của Việt Nam. Đã xảy ra mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và đời sống của cư dân bản địa qua câu chuyện trẻ em ở Sapa (Lào Cai) đeo bám khách du lịch hay mâu thuẫn giữa phát triển hạ tầng du lịch và bảo vệ cảnh quan tự nhiên, văn hóa bản địa… Chúng ta phải nhìn nhận bản chất của những hiện tượng này và từ đó, đề ra giải pháp như thế nào, thưa ông?

– Đó đều là những thách thức lớn mà ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt. Bản chất của vấn đề, thứ nhất, nằm ở việc phát triển du lịch chưa bền vững. Nhiều địa phương tập trung vào tăng trưởng số lượng du khách mà chưa chú trọng đến chất lượng, dẫn đến khai thác quá mức tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới người dân địa phương.

Thứ hai, phát triển du lịch chưa có sự tham gia đúng mức của cộng đồng. Điều này dẫn đến tình trạng họ cảm thấy bị lợi dụng và không được hưởng lợi tương xứng từ du lịch.

Thứ ba, nhiều địa phương chưa có quy hoạch du lịch tổng thể, dẫn đến sự phát triển tự phát, thiếu kiểm soát và gây ra nhiều hệ lụy.

Thứ tư là do nhận thức hạn chế. Cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều chưa có nhận thức đầy đủ về du lịch bền vững.

Về giải pháp, dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, đầu tiên, mỗi địa phương cần có một quy hoạch du lịch riêng, xác định rõ mục tiêu phát triển, các sản phẩm du lịch đặc trưng và các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa bản địa.

Tiếp đến, người dân địa phương phải được tham gia vào quá trình hoạch định và quản lý du lịch, được chia sẻ lợi ích phù hợp từ ngành du lịch. Mỗi địa phương cũng cần phải phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, không chỉ tập trung vào các điểm du lịch truyền thống mà còn tạo ra các sản phẩm mới như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm nâng cấp hạ tầng du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ đi đôi với bảo vệ môi trường là vấn đề cần phải thực hiện tiếp theo. Ngoài ra, cần có một cơ chế quản lý chặt chẽ đối với các hoạt động du lịch, xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch bền vững cho người dân, doanh nghiệp và du khách.

Tôi xin nhấn mạnh, phát triển du lịch bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của cả cộng đồng. Chúng ta cần thay đổi tư duy, từ việc tập trung vào tăng trưởng về mặt số lượng sang chú trọng đến chất lượng và sự bền vững. Bằng cách lắng nghe ý kiến của người dân, xây dựng quy hoạch hợp lý và đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, chúng ta có thể xây dựng một ngành du lịch vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và văn hóa.

KTSG: Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 được Booking.com công bố cho biết, 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. Chúng ta nên suy nghĩ về con đường tiến tới du lịch bền vững ở Việt Nam như thế nào?

– Báo cáo nêu trên đã đưa ra một tín hiệu vô cùng tích cực: du khách Việt Nam ngày càng ý thức được tầm quan trọng của du lịch bền vững. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam định hình lại ngành du lịch, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững, vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao trải nghiệm du lịch và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Nhu cầu du lịch bền vững của du khách trong và ngoài nước được dự báo sẽ ngày càng cao. Về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên và sự đa dạng về văn hóa, Việt Nam đều rất thuận lợi. Các nhà quản lý cũng có tầm nhìn và chính sách hỗ trợ cho du lịch bền vững.

Khó khăn trên con đường tiến tới du lịch bền vững tại Việt Nam trước hết nằm ở áp lực tăng trưởng kinh tế. Lựa chọn tăng trưởng nóng, tăng trưởng nhanh trong ngành du lịch sẽ kéo theo các vấn đề môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, ngành du lịch đang thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhờ chất lượng và bền vững. Nhận thức chưa đồng đều về du lịch bền vững khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư du lịch bền vững, hoặc có đầu tư nhưng chưa đúng hướng, chưa lôi kéo được sự tham gia của cộng đồng và hài hòa với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan… Đó là những vấn đề mà chúng ta cần nhanh chóng khắc phục.

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lan-song-phan-doi-over-tourism-va-bai-hoc-du-lich-ben-vung-cho-viet-nam/