Làn sóng ủng hộ việc phụ nữ cho con bú nơi công cộng
Bình thường hóa việc cho con bú ở nơi công cộng, nâng cao nhận thức của mọi người về việc nuôi con bằng sữa mẹ đang là nỗ lực của nhiều phụ nữ.
Sau khi sinh con trai đầu lòng hồi tháng 3, người mẫu đình đám Emily Ratajkowski (Mỹ) đã ghi lại hành trình nuôi con bằng sữa mẹ và chia sẻ điều đó với hơn 27,5 triệu người theo dõi trên trang cá nhân.
Emily Ratajkowski thể hiện sự ủng hộ đối với những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ như mình. Trên trang cá nhân, cô thoải mái đăng hình đang cho cậu con trai Sylvester bú sữa mẹ, nhằm thể hiện đó là hành động rất tự nhiên và bình thường.
Nàng mẫu 29 tuổi còn đăng bức hình ngồi cạnh là người bạn thân Caitlin King, cũng đang cho con cô ấy bú sữa. Hình ảnh có phần vui nhộn cho thấy đó không phải hành động quá riêng tư cần phải giới hạn.
Theo Glamour, thực tế nhiều phụ nữ thường cảm thấy xấu hổ khi bị bắt gặp đang cho con bú, dù là nơi công cộng hay trên mạng xã hội. Dù việc yêu cầu một người mẹ rời khỏi nơi công cộng vì cô ấy cho con bú là bất hợp pháp, không ít phụ nữ hạn chế điều đó vì cảm giác e ngại như thể họ hành động khiếm nhã.
Phụ nữ e ngại
Mới đây, câu chuyện bà mẹ tên Holly Chapman (28 tuổi, Anh) đang cho con bú trên xe buýt thì bị yêu cầu phải ngừng lại hoặc rời khỏi xe đã gây chú ý trong cộng đồng mạng.
Holly sau đó đành phải xuống xe và tiếp tục cho đứa con mới 19 tuần tuổi bú ở bến xe buýt trong khi chờ chuyến khác.
Theo một cuộc khảo sát ở Anh, 1/3 phụ nữ được hỏi cảm thấy xấu hổ hoặc không thoải mái khi cho con bú nơi công cộng, và gần 2/3 số người thường cố che giấu việc đó.
Năm 2016, "mỹ nhân đẹp nhất Philippines" Marian Rivera từng bị phê bình khi bức ảnh cô cho con gái bú ngay trong tiệc sinh nhật được chia sẻ trên mạng.
Trong các bức hình, cô vừa cho con bú, vừa vui vẻ trò chuyện với khách tham dự tiệc.
Nhiều người cho rằng cô nên tìm một nơi kín đáo hơn để cho con bú. Tuy nhiên, Marian Rivera đã đáp lại rằng "Có lẽ chỉ những ai làm mẹ mới hiểu được tôi".
Tuyên bố này của người đẹp nhận được sự đồng tình từ Hiệp hội Bà mẹ và trẻ em Philippines. Nhiều người ủng hộ khi nữ diễn viên chấp nhận nuôi con bằng sữa mẹ thay vì ăn kiêng để giữ dáng.
Bị kỳ thị
Theo SCMP, năm 2019, Liz Thomas, nhà báo làm việc cho một tổ chức tin tức toàn cầu tại Hong Kong, phát động #Ittasteslikelove, một chiến dịch nhằm bình thường hóa việc cho con bú ở Hong Kong, nơi 40% phụ nữ cho con bú ở nơi công cộng đã khiếu nại hoặc có trải nghiệm khó chịu, theo cuộc thăm dò của UNICEF.
Trước đó, cô đang cho con bú trên một chiếc xe buýt thì bị người phụ nữ bên cạnh hét lên "che người cô lại đi". Liz từ chối và tiếp tục việc đang dở.
Liz không cô đơn. Năm 2018, một người mẹ tên Cathy Ho đang cho con bú trên ghế công cộng thì bị nhân viên an ninh yêu cầu chuyển đến nhà vệ sinh gần đó. Cô từ chối, cho biết mình có quyền hợp pháp để cho con bú ở nơi công cộng.
Theo khảo sát của CNN, ở Hàn Quốc, phụ nữ thường không cho con bú ở nơi công cộng. Họ sẽ bơm, vắt sữa ở nhà bỏ vào bình sữa và cho con bú bằng bình. Họ nói rằng "sợ bị đánh giá không chuyên nghiệp" nếu để lộ hình ảnh cho con bú trực tiếp.
Phụ nữ Nhật Bản thường ở nhà suốt thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu ra ngoài, họ cũng cho con uống bình.
Ở Đài Loan, từng có tranh cãi về việc có nên ra luật bảo vệ các bà mẹ cho con bú khỏi bị kỳ thị tại nơi làm việc hay không. Tuy nhiên, cùng lúc đó, có nhiều ý kiến cho rằng nếu luật đó ra đời, phải thêm điều kiện phụ nữ cần phải che đậy ngực lại.
"Thật không công bằng khi chấp nhận hình ảnh bộ ngực phụ nữ trên khắp các bảng quảng cáo, phương tiện truyền thông xã hội, video âm nhạc và quảng cáo nhưng lại cho rằng việc một người mẹ cho con bú lại là sự khiêu khích hay tìm kiếm sự chú ý. Sao ảnh hở ngực được công khai, còn việc phụ nữ cho con bú thì không?", Liz nói.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát động chiến dịch "Nói CÓ với nuôi con bằng sữa mẹ" để "nâng cao thái độ tích cực của công chúng đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc và nơi công cộng".
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, sữa mẹ không chỉ là một nguồn kháng thể phong phú mà còn giúp trẻ giảm tỷ lệ hen suyễn, béo phì và tiểu đường.
Theo bà mẹ 2 con Liz, các chiến dịch nâng cao nhận thức ngày càng được nhiều thương hiệu lớn hưởng ứng khi đưa hình ảnh phụ nữ cho con bú vào tạp chí, phần quảng cáo sản phẩm.
Về phía những người chỉ trích, Liz nói: "Tại sao một trong những hành động sinh học tự nhiên nhất lại bị kỳ thị? Những thành kiến về phụ nữ và tiêu chuẩn kép là các nguyên nhân chính. Cho đến khi chúng tôi có chế độ nghỉ thai sản tốt hơn, được luật pháp bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ, hút sữa ở nơi làm việc, chúng tôi vẫn sẽ thấy phụ nữ tiếp tục phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, giữa phòng họp và phòng chơi cho trẻ".