Làn sóng vỡ nợ làm chao đảo thị trường 15.000 tỷ USD của Trung Quốc
Unigroup là công ty nhà nước Trung Quốc mới nhất tuyên bố không thể trả nợ. Khi nền kinh tế thứ hai thế giới vực dậy từ đại dịch, làn sóng vỡ nợ càng trở nên nghiêm trọng.
Hãng Bloomberg đưa tin nhà sản xuất chip Trung Quốc Tsinghua Unigroup tuyên bố không thể trả nợ gốc cho 450 triệu USD trái phiếu đến hạn hôm 10/12. Điều này sẽ gây ra vi phạm chéo (cross default) với khoản nợ khác trị giá 2 tỷ USD.
Vi phạm chéo là một điều khoản nằm trong khế ước trái phiếu hoặc hợp đồng cho vay quy định rằng người đi vay được coi là vỡ nợ khi họ vỡ nợ trong một nghĩa vụ nợ khác.
Vụ việc mới nhất của nhà sản xuất chip làm gia tăng làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc. Trong những tuần gần đây, các vụ vỡ nợ từ công ty khai thác than đến nhà sản xuất ôtô lớn đã làm rung chuyển thị trường tín dụng nước này.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các biện pháp kích thích nhanh chóng hồi sinh nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng mặt khác, chúng cũng làm bùng nổ nợ trong nước. Kể từ năm 2016, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực giảm nợ để hạn chế rủi ro tài chính. Họ cho phép những doanh nghiệp nhà nước yếu kém - hay còn gọi là các công ty "xác sống" - thất bại.
Những khoản vỡ nợ và phá sản được sử dụng để giải quyết vấn đề nợ. Chúng nằm trong chiến dịch của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường kỷ luật thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đảo ngược hoàn toàn kế hoạch này.
Sau khi nền kinh tế thứ hai thế giới phục hồi từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, các nhà hoạch định chính sách đang tái tập trung vào nỗ lực giảm nợ. Hiện, khi Bắc Kinh rút lại một số biện pháp hỗ trợ nhằm đối phó với tác động của đại dịch, sự căng thẳng trên thị trường nợ bắt đầu quay trở lại. Nói cách khác, chính phủ Trung Quốc cho phép làn sóng vỡ nợ xảy ra.
"Chúng ta sẽ chứng kiến rủi ro tái cấp vốn và định giá gia tăng đối với các công ty nhà nước yếu kém. Điều này dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ tăng cao", nhà phân tích Andrew Chan của Bloomberg Intelligence nhận định. "Chúng tôi cho rằng khó có các gói cứu trợ vì Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu tái cấu trúc, củng cố và loại bỏ những công ty nhà nước 'xác sống', trừ khi chúng dẫn đến rủi ro hệ thống", ông Chan bình luận.
Ba trái phiếu khác của Unigroup sẽ bị ảnh hưởng vì vi phạm chéo là 1,05 tỷ USD trái phiếu đến hạn vào năm 2021, 750 triệu USD trái phiếu đến hạn năm 2023 và 200 triệu USD trái phiếu đến hạn năm 2028.
Trước đó, nhà sản xuất chip Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ không trả được lãi cho 5 tỷ NDT (765,55 triệu USD) trái phiếu đến hạn hôm 10/12. Tài chính của công ty xấu đi đáng kể trong 3 năm qua, sau khi Tsinghua Unigroup vay tiền để tài trợ cho việc mua lại và đầu tư nhằm nâng cao vị thế.
Khoản lỗ của công ty đã tăng từ 3,2 tỷ NDT (489,95 triệu USD) một năm trước đến lên 3,38 tỷ NDT (517,51 triệu USD) trong nửa đầu năm nay, theo báo cáo tài chính của Unigroup. "Sự kiện sẽ làm dấy lên lo ngại về việc căng thẳng trong nước tràn ra thị trường nước ngoài", ông Chan cảnh báo.
Thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc có giá trị 15.000 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị các khoản thanh toán thất bại trong thị trường tín dụng địa phương đạt 106 tỷ NDT (16,23 tỷ USD). Vỡ nợ trái phiếu nước ngoài của Trung Quốc cũng lên tới 8,1 tỷ USD năm nay.