Lan Thạch hộc tía trên đất Ðơn Dương

Ðơn Dương, mảnh đất nổi tiếng với hồng ăn trái, với dứa cayen, cà phê, với những vườn la ghim xanh ngát. Nhưng Ðơn Dương cũng là mảnh đất phù hợp với nhiều loài cây dược liệu, trong đó có cây lan Thạch hộc tía.

Mô hình trồng lan Thạch hộc tía tại Trạm Thực nghiệm Đơn Dương

Mô hình trồng lan Thạch hộc tía tại Trạm Thực nghiệm Đơn Dương

Hộ anh Nguyễn Danh Tâm, tổ dân phố Đường Mới vốn là hộ trồng lan nổi tiếng của thị trấn D’ran. Trong gia đình anh trồng khá nhiều loại lan có nguồn gốc từ rừng Lâm Đồng, kể cả lan ngoại nhập. Với lan Thạch hộc tía, anh Tâm cho biết, hiện đang trồng và kinh doanh có kết quả. Bởi vậy, khi tham gia mô hình “Xây dựng mô hình trồng thực nghiệm cây lan Thạch hộc tía tại huyện Đơn Dương”, anh rất vui vẻ hợp tác để phát triển giống lan quý này. Anh Tâm đánh giá, lan Thạch hộc tía khá đẹp, đẹp từ lá tới hoa, người chơi lan khá ưa chuộng song anh không rõ lắm về tác dụng dược liệu của loại cây này. Vì vậy, khi cán bộ kỹ thuật giới thiệu về dược tính của lan Thạch hộc tía, anh Tâm rất quan tâm và xác định tiếp tục mở rộng diện tích lan Thạch hộc tía.

Thạc sỹ Phan Quốc Chính, Trưởng phòng Công nghệ sinh học - Trung tâm Ứng dụng Khoa học & Công nghệ Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện việc phát triển cây lan Thạch hộc tía cho biết, đây là loài lan có giá trị cả trong làm cảnh và làm dược liệu. Sản phẩm từ lan Thạch hộc tía chủ yếu lấy phần thân, lá làm thuốc và làm thực phẩm có tác dụng bảo vệ sức khỏe.

Hiện nay, tại thị trường dược liệu, giá Thạch hộc tía khô dao động khoảng 2 - 3 triệu đồng/kg, thạch hộc tía tươi giá 300.000 đồng/kg.

Còn tại Lâm Đồng, hiện không có đủ lan Thạch hộc tía để bán làm dược liệu, chủ yếu bán như một loại cây cảnh với giá 30 ngàn đồng/ki. Một giò lan Thạch hộc tía thường có 6 ki, bán với giá 180 ngàn đồng. Vì có giá tốt, nhiều người khai thác tràn lan khiến Thạch hộc tía mất dần trong tự nhiên. Bởi vậy, việc nuôi trồng lan Thạch hộc tía là một biện pháp giúp nhân giống lan trong điều kiện nhân tạo, duy trì và phát triển loài lan quý này. Dự án đã chọn mô hình trồng thử nghiệm tại thị trấn D’ran và Trạm Thực nghiệm tại thị trấn Thạnh Mỹ, hai vùng đặc trưng của đất Đơn Dương.

Là một trong những người tham gia dự án, anh Nguyễn Danh Tâm nhận được 500 cây thạch hộc tía giống, phân bón cũng như các vật tư nông nghiệp khác. Các kỹ sư cũng chuyển giao kỹ thuật trồng Thạch hộc tía khá kỹ càng, từ lên chậu cho cây giống, kỹ thuật phòng trừ bệnh… Sau khi trồng, cây lan Thạch hộc tía phát triển khá nhanh, tỷ lệ sống rất cao. Đối chứng với cây lan Thạch hộc tía trồng ở Trạm Thực nghiệm Đơn Dương, tỷ lệ sống và phát triển của hai bên khá tương đồng. Sau 6 tháng trồng, cây đã xuất hiện rễ mới, chồi mới và bắt đầu xuất hiện hoa.

Tới hiện tại, vườn lan Thạch hộc tía của anh Nguyễn Danh Tâm và vườn lan của Trạm Thực nghiệm Đơn Dương đều phát triển rất tốt, cây cho hoa đều đặn. Do cây lan Thạch hộc tía là cây dược liệu lâu năm, 2-3 năm mới thu hoạch nên chưa bán được theo dạng dược liệu nhưng hộ anh Nguyễn Danh Tâm cho biết, anh đã bán được theo nhu cầu cây cảnh. Vì vậy, anh tiếp tục chăm sóc, nhân giống và cung cấp rộng rãi cho nhân dân quanh vùng. Từ kết quả ban đầu, các cán bộ thuộc dự án đã xác định, cây lan Thạch hộc tía đã thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương, gần như không có sâu bệnh gây hại, cây phát triển khá tốt.

Thạc sỹ Phan Quốc Chính chia sẻ, cây lan Thạch hộc tía đã bén rễ trên đất D’ran, đất Thạnh Mỹ. Đặc biệt, với hộ trồng lan, kinh doanh lan như anh Nguyễn Danh Tâm, cây lan Thạch hộc tía đã phát triển và có cơ hội mở rộng thêm nhiều hộ nuôi trồng. Cây lan Thạch hộc tía vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, vừa là nguồn dược liệu quý, đồng thời đây cũng là cơ hội giúp một loài lan quý thoát khỏi nguy cơ tận diệt trong tự nhiên.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/lan-thach-hoc-tia-tren-dat-on-duong-2962264/