Lan tỏa cuộc vận động 'Văn hóa giao thông với bình yên sông nước'

Cuộc vận động xây dựng phong trào 'Văn hóa giao thông với bình yên sông nước' (giai đoạn 2016 – 2020), ở Trà Vinh và Bạc Liêu tạo được sức lan tỏa trong người tham gia giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thể hiện văn hóa giao thông, góp phần vì bình yên trên sông nước.

Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” (giai đoạn 2016 – 2020), ở Trà Vinh và Bạc Liêu tạo được sức lan tỏa trong người tham gia giao thông; các chủ bến phà, bến đò, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và lực lượng thực thi công vụ… nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), thể hiện văn hóa giao thông, góp phần vì bình yên trên sông nước.

Thời gian qua, Trà Vinh thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm TTATGT, trong đó mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Hiện trên địa bàn tỉnh có 158 bến thủy nội địa, 52 bến khách và hơn 5.000 phương tiện lưu hành. Mô hình văn hóa giao thông đường thủy bến đò ngang ấp Mỹ Hiệp - ấp Nhuận Thành (xã Mỹ Đức, huyện Càng Long), được thành lập năm 2017.

CSGT Công an Trà Vinh thường xuyên phối hợp với Thanh tra giao thông tỉnh kiểm tra, tuyên truyền bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường thủy nội địa.

CSGT Công an Trà Vinh thường xuyên phối hợp với Thanh tra giao thông tỉnh kiểm tra, tuyên truyền bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường thủy nội địa.

Từ khi thành lập, Tổ tự quản bến đò ngang thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ bến, chủ phương tiện chấp hành tốt việc trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, thiết bị PCCC góp phần kéo giảm TNGT đường thủy. Hằng tháng, Công an huyện Càng Long còn phân công cán bộ CSGT tham gia họp để nắm tình hình, tổ chức tuần tra kiểm soát (TTKS), hướng dẫn tàu, thuyền neo đậu đảm bảo an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ).

Anh Nguyễn Minh Thương, Tổ trưởng Tổ tự quản bến khách Mỹ Hiệp – Nhuận Thành, cho biết, thời gian qua, Tổ tự quản hoạt động tốt, thường xuyên kiểm tra các bến đò, chủ đò và hành khách qua lại thực hiện đúng theo quy định an toàn. Thời gian tới, Tổ tự quản tiếp tục kiểm tra chủ bến, đồng thời nhắc nhở những người xung quanh thực hiện đảm bảo ATGT đường thủy và không neo đậu tàu, thuyền cặp khu vực bến đò.

Mô hình văn hóa giao thông đường thủy bến khách ngang sông Vĩnh Yên - Long Trị (TP Trà Vinh) hoạt động hiệu quả giúp người dân đi lại, học tập, lao động, vận chuyển hàng hóa… thuận lợi an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Từ khi thành lập đến nay, Tổ tự quản tại bến phà thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT đẩy mạnh tuyên truyền về GTĐTNĐ cho người dân, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện tự giác chấp hành; tích cực xây dựng bến khách an toàn, văn hóa, văn minh; kịp thời tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm TTATGT, TTATXH… bảo đảm ổn định, không xảy ra tai nạn.

Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020 tại Bạc Liêu đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh công nhận, nhân rộng 7 mô hình tuyến sông văn hóa an toàn (VHAT); 21 bến đò ngang VHAT và 10 bến thủy nội địa VHAT. Các mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về GTĐTNĐ đối với người dân, đồng thời tạo ra được môi trường GTĐTVHAT, thân thiện, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Công tác tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về GTĐT được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, như: trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong trường học; các hộ dân sống ven sông; những người hành nghề trên đường thủy… tạo được ý thức tự giác tuân thủ các quy định về TTATGT. Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra liên ngành giữa các lực lượng và chính quyền địa phương trong hoạt động TTKS, xử lý vi phạm TTATGT đường thủy nói chung, các mô hình nói riêng đạt hiệu quả.

Năm năm qua, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã xử phạt hành chính trên 11.600 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy nội địa với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở trên 2.000 lượt bến thủy nội địa, giải tỏa 900 phao, đáy neo đánh bắt thủy sản trên các tuyến sông. Mở 13 lớp dạy lái phương tiện thủy, cấp chứng chỉ cho 880 người… Từ đó tác động tích cực đến vai trò quản lý nhà nước về TTATGT ở cơ sở và ý thức trách nhiệm của các chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy nội địa.

Thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, tỉnh Bạc Liêu xây dựng mới, nhân rộng nhiều mô hình Tổ tự quản về ANTT ven sông.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với Công an các huyện, thị xã; UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh củng cố phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên ĐTNĐ, xây dựng được nhiều mô hình tự quản trong nhân dân, như: Tổ tự quản nhân dân ven sông; Tổ tự quản tuyến sông an toàn về ANTT; Tổ ngư dân tự quản về ANTT trên biển; Tổ cứu hộ cứu nạn trên các tuyến sông, bến đò ngang sông…

Không chỉ góp phần thực hiện tốt phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, các Tổ tự quản còn góp phần đấu tranh, phòng chống tội phạm hoạt động trên địa bàn sông nước.

Theo Thượng tá Huỳnh Văn Sáng, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Bạc Liêu, do thành viên của các Tổ tự quản sinh sống gần sông, chuyên chở hành khách, hàng hóa bằng phương tiện thủy, có trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm. Nếu xảy ra TNGT đường thủy tại khu vực này, những thành viên trong Tổ sẽ ứng cứu kịp thời. Đồng thời tham gia tuyên truyền vận động quần chúng nâng cao ý thức giữ gìn ANTT; cảnh giác và tố giác tội phạm. Hay như mô hình Tổ ngư dân tự quản về ANTT trên biển của huyện Đông Hải đã thành lập được 13 Tổ với 132 thành viên là ngư dân, chủ tàu cá. Mô hình này được Bộ Công an đánh giá cao, khuyến khích nhân rộng ra các địa phương khác có biển…

Đức Văn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/lan-toa-cuoc-van-dong-van-hoa-giao-thong-voi-binh-yen-song-nuoc-622088/