Lan tỏa giá trị nhân văn từ cộng đồng số

Cuộc sống số đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của xã hội, hình thành những cách tư duy, giao tiếp mới trên không gian mạng. Thông qua công nghệ, nhiều hội, nhóm cộng đồng số ra đời, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hướng đến cuộc sống tốt đẹp.

Fanpage Cảnh đẹp Phú Yên giới thiệu ảnh chụp tháp Ng¬hinh Phong (TP Tuy Hòa) để mọi người chọn mua, quảng bá vùng đất Phú Yên. Ảnh: MINH ĐĂNG

Fanpage Cảnh đẹp Phú Yên giới thiệu ảnh chụp tháp Ng¬hinh Phong (TP Tuy Hòa) để mọi người chọn mua, quảng bá vùng đất Phú Yên. Ảnh: MINH ĐĂNG

Hội, nhóm cộng đồng số không phải điều mới mẻ, mà đã hình thành từ khi công nghệ thông tin bùng nổ. Có thể hiểu nôm na hội, nhóm cộng đồng số là sử dụng các nền tảng xã hội Facebook, Zalo… để thành lập một hội, nhóm với sự tham gia của nhiều người mà không ngăn cách bởi không gian và địa lý; từ đó triển khai các công việc do thành viên trong hội, nhóm đưa ra. Ví dụ như hội yêu thích bonsai, hội đồng hương tỉnh Y, huyện X; nhóm thiện nguyện B…

1Nhiều năm nay, KTS Lê Trọng Cường (TP Tuy Hòa) đã tận dụng công nghệ số lập các hội, nhóm trên nền tảng Facebook kết nối nhiều người trong và ngoài nước, trao đổi với nhau những hình ảnh chụp về cảnh đẹp Phú Yên, trao đổi sách hay, cách sống lành mạnh, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn…

Trong số các fanpage do KTS Lê Trọng Cường lập ra, phải kể đến trang Cảnh đẹp Phú Yên đang thu hút hơn 1,2 triệu người theo dõi. Vào fanpage Cảnh đẹp Phú Yên, mọi người có thể xem nhiều ảnh đẹp do anh chụp về con người, thiên nhiên của Phú Yên và có thể chọn mua những bức ảnh yêu thích.

Chị Đào Thị Tùng Linh trao tiền của các tấm lòng nhân ái hỗ trợ một học sinh khó khăn ở huyện Phú Hòa. Ảnh: CTV

“Thông qua fanpage Cảnh đẹp Phú Yên, tôi đã bán được nhiều ảnh. Việc bán ảnh trên nền tảng số không chỉ để kiếm tiền, mà sâu xa hơn tôi muốn quảng bá hình ảnh đất và người Phú Yên đến với nhiều người, trong đó có người nước ngoài. Tiền kiếm được từ việc bán ảnh, tôi dành để mua những quyển sách có nội dung về nhân sinh và chia sẻ nhiều người cùng đọc, với mong muốn giúp mọi người nuôi dưỡng tâm hồn, hướng đến cuộc sống tốt đẹp, nhất là trong giới trẻ”, KTS Lê Trọng Cường bộc bạch.

2Câu chuyện đôi vợ chồng bị đuối nước khi đánh bắt cá trên sông Đà Nông (TX Đông Hòa) hồi cuối tháng 11 vừa qua để lại bốn đứa con thơ dại đã làm lay động lòng người. Thương cảm trước hoàn cảnh gia đình nạn nhân, một số hội, nhóm trên các nền tảng số đã vận động nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ được số tiền lớn giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi.

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết, chị tình cờ đọc dòng trạng thái trên fanpage của một nhóm thiện nguyện, kêu gọi giúp đỡ những đứa con của đôi vợ chồng gặp nạn trên sông Đà Nông. “Trước hoàn cảnh thương tâm này, tôi chuyển tiền giúp đỡ mà không một chút do dự. Của ít lòng nhiều, mỗi người một ít giúp những đứa trẻ sớm vượt qua nghịch cảnh”, chị Tuyết chia sẻ.

Nếu như trước đây, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam nói chung, người Phú Yên nói riêng chỉ thể hiện trong phạm vi làng xã, họ hàng theo kiểu tình làng nghĩa xóm, san sẻ nhau củ khoai, mớ rau thì nay công nghệ thông tin phát triển, tinh thần cao đẹp ấy được nâng lên cấp độ cao hơn. Thông qua các hội, nhóm cộng đồng số, tinh thần tương thân tương ái đã lan tỏa, vượt phạm vi quốc gia. Nhiều người cùng tham gia một nhóm cộng đồng số tuy chưa từng quen biết nhau nhưng họ có chung suy nghĩ làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng xã hội.

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nếu sử dụng nền tảng số vào những việc hữu ích thì sẽ hướng mọi người đến cái đẹp và lòng nhân ái, làm lan tỏa giá trị nhân văn.

Chị Đào Thị Tùng Linh ở huyện Phú Hòa

Chị Đào Thị Tùng Linh ở huyện Phú Hòa có gần 10 năm sử dụng mạng xã hội Facebook kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2024, chị vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mặt, quà trị giá hơn 5 tỉ đồng để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.

Chị Tùng Linh chia sẻ: “Thông qua mạng xã hội, tôi làm từ thiện hiệu quả hơn. Từ cán bộ, công chức nhà nước đến chị bán rau ở chợ, anh thợ xây ở công trình đều có thể hưởng ứng lời vận động của tôi, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”.

* * *

Sống trong thời đại công nghệ số, không khó bắt gặp những câu chuyện ý nghĩa được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, như câu chuyện của KTS Lê Trọng Cường, chị Đào Thị Tùng Linh… Những câu chuyện ấy không chỉ đơn thuần để chia sẻ, tăng lượng tương tác trên không gian mạng, mà sâu xa hơn đã góp phần lan tỏa giá trị nhân văn trong đời sống xã hội hiện nay.

MINH ĐĂNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/324850/lan-toa-gia-tri-nhan-van-tu-cong-dong-so.html