Cơm nhà ngày có giỗ

Trong nhịp sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội có những thuật toán chia sẻ nhanh như chớp mắt, câu chuyện nhà quê như 'đám giỗ bên cồn' bỗng chốc trở thành nội dung được quan tâm hàng đầu.

Miền Tây Nam bộ, nơi sông rạch len lỏi khắp vùng đất Cửu Long, người ta cũng không lạ gì cồn hay cù lao (vùng đất nổi lên giữa sông, cù lao có diện tích lớn hơn cồn).

Chuyện qua bên cồn, lên xóm trên, ghé xóm dưới ăn đám giỗ như một đặc trưng của xứ này, bởi đám giỗ không chỉ là câu chuyện tưởng nhớ người đã mất, mà còn là bữa cơm mà dẫu hương vị có mặn hay nhạt vẫn nồng thắm không khí tình thân gia đình, xóm làng thân thuộc.

Với con cháu trong nhà, có bổn phận phải nhớ ngày cúng cơm ông bà mà về. Với hàng xóm, gia chủ tranh thủ mời trước một vài ngày, nhưng không quá câu nệ như chuyện mời đám cưới.

Nhà sát vách, cạnh rào, trước giỗ cả tháng là các dì, các mẹ í ới nhau để tới ngày đó, cô Ba, cô Tám qua phụ gói bánh ít, người nào khéo tay thì được mời hẳn đứng bếp, nêm nếm tất cả món ăn trước khi dâng mâm lên cúng ông bà, gia tiên.

Ngày vui nhất có lẽ là ngày tiên thường (trước giỗ chính 1 ngày), con cháu ở xa tề tựu, hàng xóm quây quần phụ chuẩn bị từng món. Nhà nào có con trai, mấy dì cũng bắt đầu nghía qua các chị dưới bếp, để xem cô nào khéo tay, giỏi chuyện nấu nướng là chấm sẵn trong bụng để còn đánh tiếng sang nhà hỏi dâu…

Ngày tiên thường, cũng là ngày má đem “gia tài” là kho chén dĩa giữ gìn cả năm ra trưng dụng. Chén dĩa đãi trong đám giỗ là những bộ chén kiểu, hoa văn đẹp nhất trong nhà, mỗi loại má mua theo bộ đủ để đãi 1 bàn tiệc.

Bởi thế mà công việc của người rửa chén cũng không kém phần áp lực, bể cái chén, cái dĩa nào là má biết liền, có chạy ra chợ mua cái khác bù vào cũng không được, bởi chén - dĩa - tô đã theo bộ, tìm đúng loại hoa văn đó khó như chuyện trồng sen chỗ nước mặn.

Bữa cơm ngày giỗ, không ai câu nệ phải sang trọng như đám cưới, bởi đám cưới khách tặng tiền mừng thì phải đãi sao cho đặng; còn đám giỗ chủ yếu là cái tình, cái nghĩa, ai mang chút gì đến cúng hay chia sẻ, gia chủ cũng đều trân quý. Không cần phải mời hay gắp đãi nhau từng món, bởi ngồi vào bàn thì ai cũng tự nhiên thân tình như người nhà.

Cánh đàn ông sau màn hỏi thăm nhau, là bắt đầu chén chú chén anh, nhiều khi chuyện cưới gả cũng bắt đầu từ lời hẹn ước trên bàn nhậu đám giỗ kiểu này. Nhà anh có con trai, nhà tôi có con gái, cụng ly một cái là coi như mong muốn thành sui gia.

Câu chuyện của các dì, các mẹ cũng bắt đầu từ những món ăn, coi giỗ năm nay món nào vừa miệng, món nào chưa ưng bụng thì rút kinh nghiệm để năm sau nấu cho ngon lành. Và tiếp đến là tỉ tê hàng tá chuyện trên đời, từ chuyện ruộng vườn đến con cái học hành, mần ăn tới đâu, đứa nào khá thì mừng cho nó, đứa nào chưa lập gia đình thì lo đứng lo ngồi, trông cho tụi nhỏ yên bề gia thất.

“Về ăn đám giỗ” - là cái cớ hợp lý nhất để người xa quê mời bạn bè hay đồng nghiệp về thăm nhà. Bữa cơm ngày giỗ, ít nhiều đủ đầy vị mặn, ngọt, cơm canh và dư dả tình thương cho đứa con, đứa cháu xa nhà.

Dù đi học, đi làm hay lấy chồng, cứ hễ đứa xa nhà luôn được phần ưu ái hơn một chút, má và các dì luôn để dành phần ngon nhất, tía hay chú, bác trong nhà cũng hỏi thăm không ngớt, bởi “tụi nhỏ lâu lâu mới về”.

Bữa cơm ngày đám giỗ, ê hề thịt cá hay gói ghém vài món cơm canh tùy vào điều kiện gia chủ. Ông bà mất dẫu bao lâu, nhưng con cháu nhớ ngày cúng giỗ, đời ông bà đến tía má rồi anh Hai, chị Ba trong nhà tiếp nối vẫn thế…

Ngày đám giỗ đâu chỉ là bữa ăn, đó còn là tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên, là dịp để gia đình tề tựu, xóm giềng gần nhau một chút. Cũng không ai mong cầu gì cho riêng mình khi thắp nén nhang ngày giỗ, ước mong lớn nhất chính là tình thân và sự sum vầy cứ nối tiếp qua từng thế hệ.

Đạo lý muôn đời có lẽ cũng đơn giản thế, chừng nào còn biết ơn thì vẫn còn hạnh phúc.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/com-nha-ngay-co-gio-post777400.html