Lan tỏa giá trị văn hóa từ cơ quan báo chí đến sản phẩm báo chí
Hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí từ Trung ương, Hội Nhà báo các địa phương và các Chi hội ở cơ sở vẫn tiếp tục triển khai lan tỏa thông điệp từ phong trào này bằng những nội dung, phần việc cụ thể.
Những nỗ lực đang được triển khai tại Báo Quảng Nam, Đài PT-TH Quảng Nam, Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang là ví dụ.
Góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại
Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa được xem là chủ đề rất rộng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư nhiều về thời gian, công sức. Phong trào thi đua phải được lan tỏa thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo; đó vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo. Đánh giá về vai trò của việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, nhà báo Lê Văn Nhi - Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Nam khẳng định, đây là yêu cầu quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh môi trường xã hội có những thay đổi lớn vừa là động lực, vừa là thách thức đối với cơ quan báo chí và những người làm báo. Việc xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa trong tình hình hiện nay nhằm góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển trong thời kỳ mới.
Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” mà Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động, trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã chú trọng triển khai cơ quan văn hóa và văn hóa người làm báo, việc triển khai gắn với các quy chế, quy định, soi chiếu vào bộ tiêu chí văn hóa 12 điểm cụ thể. Tuy nhiên, theo Tổng Biên tập Lê Văn Nhi thì để mỗi cơ quan báo chí đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở và văn hóa cơ quan đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cần quán triệt, nâng cao nhận thức cho hội viên về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển của chi hội ấy.
Trên tinh thần đó, Báo Quảng Nam đã ban hành Quy định tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, đạo đức nghề nghiệp, trong đó bao chứa nhiều nội dung của Luật Báo chí, Luật viên chức, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, Quy định sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và các tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí, người làm báo văn hóa. Đáng chú ý là trong quy định này có nêu các nội dung tiêu chuẩn đạo đức đặc thù trong các mối quan hệ công tác của cán bộ Báo Quảng Nam. Như về quan hệ giao tiếp ứng xử đối với lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân… Tuyệt đối giữ chuẩn mực trong giao tiếp, thể hiện rõ tác phong ngay ngắn, chỉn chu, đạo đức trong sáng của người làm báo.
Chia sẻ về những quy định riêng về sự chuẩn mực trong đạo đức người làm báo, nhà báo Nguyễn Hải - Thư ký Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Quảng Nam cho rằng, khi tác nghiệp hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi là điều không thể thiếu ở một nhà báo chân chính. Đối với nhà báo, theo tôi tính trung thực, công tâm càng hết sức quan trọng và cần thiết bởi họ là người có thể dẫn dắt dư luận nên nếu thiếu trung thực, công tâm sẽ làm cho công chúng hiểu sai lệch về vấn đề, sự việc nào đó. “Hoạt động báo chí trong môi trường lành mạnh, xây dựng một đội ngũ làm báo trong sạch, tinh thông nghiệp vụ, các nhà báo nhiệt tình, công tâm trong công việc chắc chắn công chúng sẽ ủng hộ và tin cậy” - nhà báo Nguyễn Hải nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa
Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa ở đây đòi hỏi một quá trình lâu dài, cần sự quyết tâm từ các cấp Hội Nhà báo địa phương, từng lãnh đạo các cơ quan báo chí và cần thiết nhất là bản thân từng cán bộ, phóng viên nhà báo.
Tại tỉnh Kiên Giang, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn từ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện nhiệm vụ này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi phát động, tất cả các Chi hội đều có kế hoạch triển khai, nhất là trong đợt tổ chức đại hội Chi hội vừa qua thì ở cả 10 Chi hội đều đưa mục tiêu này vào trong nhiệm vụ cần phải triển khai ở nhiệm kỳ. Nhờ vậy từng hội viên ở các Chi hội đều tích cực hưởng ứng tham gia, các đơn vị đặt ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể để triển khai từ nay đến năm 2025. Trong đó có việc thực hiện ứng xử văn hóa của nhà báo trong bối cảnh thông tin mạng xã hội phát triển; quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; quy cách tác nghiệp ứng xử với cơ quan đơn vị, doanh nghiệp...
“Năm 2023, Hội Nhà báo tỉnh đã lên kế hoạch cho một số cuộc đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, để hiểu rõ hơn việc triển khai ở cơ sở đến từng hội viên thực hiện như thế nào? những vấn đề còn tồn tại. Đặc biệt là văn hóa ứng xử của hội viên nhà báo trong khi tác nghiệp, trong quá trình sử dụng mạng xã hội…” - nhà báo Đoàn Hồng Phúc chia sẻ thêm.
Có thể khẳng định rằng ở Hội Nhà báo mỗi địa phương, mỗi Chi hội sẽ có những cách làm, cách triển khai phong trào xây dựng môi trường văn hóa có sự đa dạng khác nhau. Nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu đưa cơ quan báo chí đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của báo chí. Nhờ đó, các giá trị văn hóa được lan tỏa từ cơ quan báo chí đến chính những sản phẩm báo chí sẽ góp phần tạo nên uy tín của người làm báo ở cơ quan báo chí đó. Chính vì thế phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí không còn là lý thuyết mà ngày một lan tỏa, hiệu quả, gần gũi thiết thực, đi vào hoạt động tác nghiệp hàng ngày, hàng giờ của người làm báo. Hội viên nhà báo ở địa phương và cả nước nói chung sẽ không chỉ giữ vai trò là người đưa tin tích cực mà còn tạo ra tấm gương lan tỏa và từ tấm gương của người làm báo, của cơ quan báo chí đó sẽ tác động tích cực đến công chúng, người dân và đến nhiều môi trường lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.