Lan tỏa khát vọng đổi mới, kết nối đội ngũ doanh nhân tư nhân
Diễn đàn Kinh tế tư nhân được kỳ vọng đóng góp tiếng nói để ngày càng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, lan tỏa khát vọng đổi mới, kiến tạo, kết nối đội ngũ doanh nhân.
Ngày 2/4, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ hai với chủ đề: "Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế."
Diễn đàn Kinh tế tư nhân hướng tới việc sẽ trở thành sự kiện thường kỳ để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia kinh tế trao đổi, chia sẻ suy nghĩ, đánh giá, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế đất nước nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng.
Diễn đàn được kỳ vọng đóng góp tiếng nói trách nhiệm với Đảng, Nhà nước để ngày càng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng như lan tỏa cảm hứng, tinh thần trách nhiệm, khát vọng đổi mới, kiến tạo, kết nối đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ hai, năm 2023 là nơi hội tụ đội ngũ doanh nhân tư nhân để cùng nhau thảo luận, đánh giá kết quả sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời hiến kế vượt qua khó khăn, thử thách; chủ động thích ứng trước tình hình kinh tế nhiều biến động phức tạp và khó lường; cũng như trước những thay đổi nhanh chóng của xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, của kỷ nguyên công nghệ 4.0 và công nghệ số.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả tập trung thảo luận về các vấn đề chính, như phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các kết quả, hạn chế tồn tại của phát triển khu vực kinh tế tư nhân sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 10/NQ-TW và bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn tình hình khu vực kinh tế tư nhân năm 2022 và các năm về trước; nhận diện cơ hội, những rủi ro và thách thức ở cả trong nước và từ bên ngoài mà nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phải đối mặt trong năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, các diễn giả đề xuất các định hướng, giải pháp thực chất, khuyến nghị các cơ chế, chính sách hữu hiệu giúp khu vực kinh tế tư nhân nắm bắt và tận dụng, cụ thể hóa cơ hội; khắc phục các khó khăn, thách thức, hướng tới thực hiện thắng lợi sứ mệnh là động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, cho hay để tiến kịp doanh nghiệp tư nhân thế giới, muốn được ghi nhận thì doanh nghiệp trong nước càng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải những hạn chế về năng lực cạnh tranh, yếu tố quản trị, phát triển con người và đặc biệt là thiếu tính tuân thủ kỷ luật.
Các doanh nghiệp tư nhân hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất còn đơn giản, năng suất lao động thấp dẫn đến chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Sự lớn mạnh của các tập đoàn lớn, có năng lực tài chính, dám đổi mới cập nhật công nghệ tiên tiến cũng đã cải thiện khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, đa dạng hóa sản phẩm và nhạy bén với thị trường.
Để doanh nghiệp tư nhân có khả năng tiếp cận các nguồn vốn an toàn, hiệu quả, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ tiếp cận nguồn vốn là một trong những vấn đề lớn được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hiện nay, trở thành một trong những nội dung quan trọng, mang tính thời sự, quyết định đến sự ra đời, tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.
Giải quyết các vấn đề về vốn cho doanh nghiệp không thể diễn ra trong thời gian ngắn, ngày một ngày hai, mà là suốt chặng đường hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ tiếp cận được vốn mà còn phải sử dụng được nguồn vốn an toàn và mang lại hiệu quả thiết thực.
Để duy trì và phát triển, bên cạnh việc chủ động các nguồn vốn thì doanh nghiệp cần phải quan tâm, cố gắng tiếp cận các nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương…
Tuy nhiên, ở những thời điểm khác nhau, những địa phương khác nhau, dưới tác động của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thì vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp tư nhân cũng được nhìn nhận, đánh giá ở những mức độ khác nhau.
Để có giải pháp về vốn mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng kinh tế đất nước trong thời kỳ mới, ngành ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân cần có một tiếng nói chung, với phương châm: "Lấy tâm làm trọng, lấy tầm làm chiến lược, lấy kết quả khẳng định cho uy tín."
Để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được nguồn vốn một cách an toàn và hiệu quả, ông Cao Tiến Đoan đề xuất các nhóm giải pháp đối với hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng; nhóm giải pháp đối với các doanh nghiệp tư nhân...
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV; thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia nhận định để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục giữ vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW và sau này, các chuyên gia cùng gợi ý một số giải pháp như bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; chú trọng kiến tạo để các thị trường như đất đai, lao động, tài chính, khoa học công nghệ-hàng hóa-dịch vụ... phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư-kinh doanh, tiến tới "minh bạch, công bằng, ổn định, nhất quán, dự báo được, kịp thời và thực thi tốt" đối với các cơ chế, chính sách và thực thi tại các cấp chính quyền.
Ngoài ra, Chính phủ có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, phát triển bền vững nhằm tìm kiếm và bình chọn được những cá nhân, doanh nghiệp điển hình có thành tựu nổi trội, tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, đồng thời cũng là những tấm gương sáng về tuân thủ pháp luật, yêu nước, có trách nhiệm với xã hội, gia đình, cộng đồng và bảo vệ môi trường...
Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, tiến sỹ Cấn Văn Lực đề xuất bản thân đội ngũ doanh nhân và mỗi doanh nghiệp phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; rèn luyện "tâm, tầm, trí" là sống còn. Doanh nghiệp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho cả trước mắt và lâu dài là then chốt.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cần phải được coi là tài sản đặc biệt, lợi thế cạnh tranh không chỉ của doanh nghiệp, mà còn là "tài sản quốc gia." Từ đó, Nhà nước và các bộ, ngành chức năng có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hóa trong doanh nghiệp.
Thứ ba, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp. Muốn vậy, doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có cấu phần về chuyển đổi số và nhất quán thực thi chiến lược thành công.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động; chủ động hợp tác, liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực.../.