Lan tỏa kiến thức, thay đổi hành vi

HNN - Từ những buổi truyền thông gần gũi tại cộng đồng đến các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ y tế, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) ở TP. Huế đang ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành vi của người dân, nhất là phụ nữ và thanh niên.

Trung tâm Y tế Hương Trà tư vấn và truyền thông về sức khỏe sinh sản cho các chị em phụ nữ

Trung tâm Y tế Hương Trà tư vấn và truyền thông về sức khỏe sinh sản cho các chị em phụ nữ

Thay đổi nhận thức

Chị Nguyễn Thị Mão, một phụ nữ sinh sống tại phường Hương Trà (sáp nhập từ 3 phường Tứ Hạ, Hương Văn và Hương Vân), TP. Huế chia sẻ, trước đây chị không hiểu rõ về SKSS hay kế hoạch hóa gia đình. Chị nói: “Tôi cứ nghĩ sinh con là chuyện trời cho, không biết cách nào để chủ động, lại càng không biết chăm sóc bản thân sau sinh”. Tuy nhiên, sau khi tham gia buổi truyền thông trực tiếp tại trạm y tế do cán bộ y tế địa phương tổ chức, nhận thức của chị đã thay đổi.

“Lần đầu tiên tôi được nghe giải thích cặn kẽ về các biện pháp tránh thai an toàn, vệ sinh phụ nữ và vai trò của việc khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ nói dễ hiểu, gần gũi nên tôi tiếp thu được nhiều điều. Giờ tôi biết cách bảo vệ sức khỏe, tránh sinh con quá gần nhau để không ảnh hưởng đến mẹ và con", chị Mão nói thêm.

Bà Dương Thị Nữ, Trưởng phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế Hương Trà cho biết, để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chăm sóc SKSS, đơn vị đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ tại chỗ. Trong tháng 4/2025, Trung tâm đã tổ chức đợt tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ từ 15 - 49 tuổi. Nhờ đó, nhiều trường hợp mắc bệnh đã được phát hiện sớm, tăng cơ hội điều trị kịp thời, đồng thời giúp phụ nữ nâng cao nhận thức về kế hoạch hóa gia đình.

Công tác khám, chữa bệnh định kỳ tại các trạm y tế và trung tâm y tế trên địa bàn TP. Huế cũng góp phần quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh liên quan đến SKSS. Việc sàng lọc được thực hiện qua khám lâm sàng, đánh giá yếu tố nguy cơ, thực hiện các xét nghiệm cơ bản, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống mạng lưới y tế cơ sở.

Nâng cao kiến thức, hành vi dự phòng bệnh

Theo ThS.BSCKI. Hà Thị Mỹ Dung, Trưởng khoa SKSS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Huế, việc truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi trong dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú được xác định là trọng tâm. Theo đó, CDC TP. Huế đã tích cực phát triển các tài liệu truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đặc điểm văn hóa, phong tục, ngôn ngữ và điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng miền.

“Chúng tôi đồng thời nâng cao năng lực truyền thông trực tiếp cho đội ngũ y tế tuyến cơ sở và cộng tác viên dân số, kết hợp giữa truyền thông tại cộng đồng và tại cơ sở cung cấp dịch vụ, để tạo hiệu quả lan tỏa bền vững”, bác sĩ Dung cho biết.

Một hoạt động nổi bật trong chuỗi chương trình nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7) là lớp tập huấn “Hướng dẫn sàng lọc đái tháo đường thai kỳ” do CDC TP. Huế tổ chức. Hơn 40 cán bộ y tế tuyến cơ sở tham gia lớp tập huấn, tập trung vào các nội dung như: Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, tác động của đái tháo đường thai kỳ; quy trình sàng lọc từ tuần thai thứ 24-28 theo hướng dẫn Bộ Y tế; test dung nạp glucose và cách theo dõi thai kỳ có nguy cơ. Các học viên cũng được trang bị kỹ năng tư vấn dinh dưỡng, quản lý đường huyết, phối hợp liên tuyến và chăm sóc bà mẹ sau sinh.

Theo PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP. Huế, chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm nay là “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”, khẳng định tầm quan trọng của việc trao quyền cho mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, để họ có thể đưa ra các quyết định về sinh sản một cách tự nguyện và có hiểu biết. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch chuyển dân số và bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng.

Từ ngày 30/6 đến 20/7, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hội nghị, tọa đàm, tư vấn cộng đồng, lớp nói chuyện chuyên đề, tập huấn truyền thông... về dân số và phát triển. Các hoạt động được triển khai linh hoạt tại từng phường, xã, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đối tượng cụ thể như vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên chuẩn bị kết hôn. Sở Y tế cũng đảm bảo các khoa, phòng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, vật tư và nhân lực để triển khai dịch vụ chăm sóc SKSS và kế hoạch hóa gia đình, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu năm 2025.

Những nỗ lực từ hệ thống y tế TP. Huế không chỉ giúp mỗi người dân hiểu đúng, hành động đúng, mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, vì một tương lai khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/lan-toa-kien-thuc-thay-doi-hanh-vi-155539.html